Ngày 8-12 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2001-2010.
Chia sẻ kinh nghiệm cổ phần hóa (CPH) thành công, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết sau CPH, Vinatex đã đủ sức đấu thầu và trúng thầu trên mạng đối với các đơn hàng lớn trên toàn thế giới, tất cả các DN thuộc tập đoàn đều có lãi. Tuy nhiên, bên cạnh sự thành công của Vinatex, vẫn còn nhiều mảng xám trong bức tranh CPH DNNN. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết tốc độ CPH DNNN trong 3 năm gần đây đang chậm lại.
Điều đáng lưu ý là vẫn còn lãng phí, thất thoát lớn nguồn lực tại các DNNN. Năm 2001, có đến 60% DNNN hoạt động thua lỗ hoặc hòa vốn. Con số này đã giảm nhanh sau CPH nhưng tính đến năm 2010, số DN thua lỗ vẫn còn 20%.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH, sau CPH, tiền lương bình quân của người lao động đã từng bước được cải thiện, đạt khoảng 3,7 triệu đồng/tháng vào năm 2010. Riêng 37 tập đoàn, tổng công ty hạng đặc biệt có mức lương trung bình 7,64 triệu đồng/tháng. Tiền lương bình quân của HĐQT, tổng giám đốc đạt khoảng 18-20 triệu đồng/tháng và đối với DN hạng đặc biệt đạt khoảng 30 triệu đồng/tháng. Hiện nay, lương của cán bộ quản lý được xác định trước, còn lương của người lao động được điều chỉnh theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh nên lương của cán bộ quản lý DN chưa gắn với trách nhiệm quản lý điều hành và hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, lương, thưởng của bộ phận lãnh đạo vượt quy định, làm mất cân đối trong nội bộ DN và khu vực hành chính, gây bức xúc trong dư luận, cần phải xem lại.
Sẽ CPH 27 tập đoàn, tổng công ty Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong 10 năm qua, cả nước sắp xếp được 4.757 DN, trong đó CPH 3.388 DN. Tổng vốn chủ sở hữu của các DNNN đến cuối năm 2010 đạt hơn 700.000 tỉ đồng. Từ nay đến năm 2015 sẽ tiến hành sắp xếp, đổi mới 1.309 DN 100% vốn Nhà nước hiện có. Giai đoạn này sẽ tiến hành CPH 27 tập đoàn, tổng công ty lớn như Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy, Bưu chính Viễn thông, Dầu khí, Hàng hải, Hàng không, Điện lực, Than – Khoáng sản… theo hướng Nhà nước nắm cổ phần chi phối 65% - 75%. |
Bình luận (0)