Đã gần 19 giờ, song trước cổng Công ty Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân- TPHCM) đông nghịt người thân, bạn bè của công nhân (CN) thấp thỏm chờ họ tan ca. Lẫn trong đám đông, một người đàn ông ôm đứa con nhỏ, vừa dỗ con vừa hướng mắt về phía cổng với tâm trạng bồn chồn. Anh tên Hải, cũng làm CN Pou Yuen. “Tôi và bà xã làm chung công ty. Hôm nào vợ hoặc chồng tăng ca thì cả nhà cùng mệt”- anh cho biết.
12 giờ mỗi ngày
Ngày Tết đang cận kề nên hầu như CN nào cũng muốn làm thêm để tăng thu nhập, có tiền mua sắm Tết. Ngoài 8 giờ làm việc theo quy định, CN thường làm thêm 2 hoặc 4 giờ, thậm chí nhiều người làm hơn 4 giờ. Anh Hải kể: “Lúc chưa có con, vợ chồng tôi ngày nào cũng làm thêm. Ở đây, đa số CN trẻ đều làm 12 giờ/ngày chứ làm 8 giờ lương không đủ sống”. Đến 20 giờ, CN tan ca, vào ca thật nhộn nhịp. Thấy chúng tôi đứng lớ ngớ trước cửa, bác bảo vệ hỏi: “Đón người nhà hả? Ở đây CN tan ca lúc 21 giờ cũng có, 22 giờ cũng có”.
Hiện nay, nhiều công ty áp dụng hình thức làm theo ca; có công ty chia làm 3 ca (mỗi ca 8 giờ) hoặc 2 ca (mỗi ca 12 giờ). Còn đối với những cơ sở may tư nhân, hầu như CN luôn làm việc trên 12 giờ/ngày. “Tôi làm việc từ 7 giờ - 12 giờ và từ 14 giờ đến 21 giờ hoặc 22 giờ, kể cả ngày chủ nhật. Giữa chủ và thợ tự thỏa thuận lương chứ không ký hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm. CN ở đây ngày càng ít đi vì nhiều người làm không nổi” – chị Nhàn, CN một cơ sở may tư nhân ở quận 3 - TPHCM, cho hay.
Cuộc sống đảo lộn
Chị Đinh Thị Vui, CN Công ty Astro (KCN Đồng An - Bình Dương), cho hay: “Lương cơ bản và phụ cấp chỉ hơn 2 triệu đồng nên tôi buộc phải tăng ca để trang trải cuộc sống. Có những tuần tăng ca nhiều, tôi kiệt sức, thường xuyên chóng mặt, nhức đầu”. Còn đối với những cặp vợ chồng trẻ, tăng ca không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm sinh hoạt bị đảo lộn. Chị Hải, CN một doanh nghiệp ở KCN Sóng Thần - Bình Dương, cho biết: “Cưới nhau đã lâu nhưng “ham” tăng ca quá nên giờ tôi mới có em bé”. Tuy đã mang thai được 6 tháng nhưng chị Hải vẫn đều đặn tăng ca “để kiếm tiền sau này nuôi con”.
Không riêng gì chị Hải, chị Phương, CN Công ty Astro, dù mang thai 5 tháng nhưng vẫn tăng ca tới 19 giờ 30 phút. “Mặc dù công ty không ép buộc nhưng không tăng ca, thu nhập chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Nhiều chị trong công ty mang thai đến tháng thứ 7, 8 vẫn tăng ca đều đều. Biết tăng ca sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, bản thân mệt mỏi, kiệt sức nhưng ráng được lúc nào thì ráng” – chị Phương tâm sự. Chị cũng cho biết thêm Astro là công ty chuyên về cơ khí nên môi trường làm việc nóng, ngột ngạt. Đối với CN nữ làm ở bộ phận hàn, khi mang thai được chuyển qua bộ phận khác nhưng sinh xong phải quay về bộ phận cũ nên sản phụ dễ bị mất sữa.
TS-BS Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TPHCM: Không đủ sức bền cho đến tuổi hưu CN ngày nay dễ bị stress cũng như mắc bệnh nghề nghiệp vì cường độ lao động ngày càng cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu CN thường xuyên làm hơn 8 giờ/ngày sẽ kiệt sức, không đủ sức bền cho đến tuổi hưu và nguy cơ mắc phải các căn bệnh của môi trường lao động. Cụ thể, CN làm việc liên tục với kính hiển vi có nguy cơ bị dị tật khúc xạ (cận thị) rất cao do khi nhìn gần, mắt phải điều tiết nhiều. CN may, thêu khi hít nhiều bụi vải sẽ bị bệnh bụi phổi hoặc viêm phế quản; còn CN làm việc trong phòng lạnh sẽ dễ bị mắc bệnh về hô hấp.
Đối với CN hàn chì thì dễ bị nhiễm độc chì, đau bụng chì vì thường xuyên tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dung dịch chì. Về lâu dài, chì tích lũy trong cơ thể gây nguy hiểm đến sức khỏe. |
Bình luận (0)