Năm 2012, nền kinh tế Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn diện, bắt đầu từ đầu tư công, thị trường tài chính và các tổng công ty. Các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN tư nhân vừa và nhỏ (SME) phải tìm cách thích nghi và tận dụng các chính sách hợp lý để vượt qua khó khăn. Những vấn đề này đã được đặt ra tại hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam- 2012: Đâu là cơ hội” vào ngày 9-12, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho rằng mục tiêu của Chính phủ đặt ra trong năm 2012 là tăng trưởng GDP 6%, lạm phát dưới 10%, bội chi ngân sách dưới 4,8%... Tuy là thách thức lớn nhưng nếu Chính phủ quyết tâm thay đổi cơ cấu đầu tư, cơ cấu tín dụng và tập trung vốn cho DN SME thay vì đặt nặng vào DN Nhà nước thì sẽ đạt được mục tiêu trên.
Đồng quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh cho biết khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chỉ sử dụng 27% vốn đầu tư nhưng tạo ra đến 88% việc làm, trong khi DN Nhà nước sử dụng đến 44,6% vốn đầu tư nhưng chỉ tạo ra 22% việc làm. Cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa phân theo khu vực kinh tế 10 tháng đầu năm 2011 cho thấy khu vực kinh tế cá thể chiếm đến 50%, kế đến là kinh tế tư nhân chiếm 35%, trong khi kinh tế Nhà nước chỉ chiếm 11%.
Thực tế, thời gian vừa qua, DN ngoài quốc doanh là nạn nhân của chính sách lãi suất cao và chính sách kiểm soát tín dụng. Đầu ra của họ cũng khó khăn khi tiêu dùng trong dân cư giảm, có đến 1/2 DN SME đã ngừng hoạt động nên tác động mạnh đến việc làm và thu nhập của người lao động. Nếu như những khó khăn của DN không được tháo gỡ thì sẽ để lại hậu quả khôn lường”- TS Lê Đăng Doanh khẳng định.
TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho biết thách thức lớn nhất hiện nay là sự bất ổn của hệ thống ngân hàng có thể làm giảm đầu tư tư nhân nội địa và đầu tư nước ngoài cũng như áp lực tăng tỉ giá hối đoái. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc ngân hàng bước đầu đã có hiệu quả và không gây bất ổn hệ thống. “Làm gì thì làm nhưng Chính phủ cũng phải làm “ấm” thị trường chứng khoán và bất động sản trong năm 2012. Dù ở quy mô nào, hai thị trường này luôn là bức tranh của kinh tế vĩ mô; mối quan hệ của hai thị trường này với hệ thống ngân hàng như môi với răng. Chính vì vậy, việc tái cấu trúc ngân hàng sẽ tác động đến chứng khoán và bất động sản”- TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, khẳng định.
Các chuyên gia cũng cho rằng với các mục tiêu đề ra, kỳ vọng lạm phát được kiềm chế, trong thời gian tới lãi suất sẽ giảm, khó khăn của DN cũng lùi dần. Tuy nhiên, cùng với đó, các DN phải xem kinh tế khó khăn cũng là cơ hội để cải cách, tái cấu trúc và để vượt khó cần phải hợp tác, liên kết để cắt giảm tối đa chi phí, áp dụng công nghệ thông tin để cắt giảm chi phí hành chính; điều chỉnh sản phẩm, thị trường phù hợp với điều kiện của DN, mạnh dạn đình chỉ hoạt động nào thua lỗ…
Bình luận (0)