Ngay sau khi Chính phủ tuyên bố quyết tâm đưa lạm phát về một con số trong năm 2012, thị trường đang chứng kiến những động thái có vẻ đi ngược với quyết tâm này. Đó là việc tăng trần giá vé máy bay thêm 20% từ ngày 15-12.
Không thể tiếp tục bao cấp
Mặc dù vé máy bay không phải loại hàng hóa đầu vào hoặc thiết yếu vì đối tượng sử dụng dịch vụ hàng không chỉ chiếm khoảng hơn 5 triệu người trong tổng số hơn 80 triệu dân của cả nước song vẫn có tác động trực tiếp đến CPI. Vì trong rổ hàng hóa tính CPI có nhóm “Phương tiện đi lại, bưu điện”. Nhóm này chiếm đến 9,04% quyền số (tỉ trọng trong tổng chi tiêu dùng) tính CPI, đứng thứ 3 trong tổng số 10 nhóm hàng hóa, dịch vụ đại diện để tính CPI hiện nay.
Trong ảnh: Hành khách làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tấn Thạnh
Bên cạnh đó, tăng giá điện cũng đang là một sức ép thường trực rất lớn đến CPI. Kịch bản tăng giá điện cho năm 2012 đã được tính toán ở mức tăng trên 10% nhưng thấp hơn mức tăng 15,28% của năm ngoái, vấn đề chỉ còn là thời điểm áp dụng.
Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa, cho biết kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu trong năm 2011 và những năm tiếp theo nhưng không có nghĩa là “neo” giá trong khi những yếu tố hình thành giá có biến động, đòi hỏi chúng ta phải xử lý. “Nếu việc tăng giá có những yếu tố rất hợp lý mà chúng ta nhất định không điều chỉnh vì mục tiêu lạm phát, bắt doanh nghiệp phải ổn định giá là duy ý chí. Nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung khiến hàng hóa, dịch vụ sẽ thiếu, không đáp ứng được nhu cầu của xã hội”- ông Nguyễn Tiến Thỏa bày tỏ quan điểm.
Đã có chính sách tiền tệ “chia lửa”
Lộ trình tăng giá theo cơ chế thị trường đang làm khó mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng còn có một công cụ hỗ trợ tích cực khác là chính sách tiền tệ. Đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán được Ngân hàng Nhà nước đưa về mục tiêu thấp chưa từng có trong lịch sử lần lượt là 20% và 16%. Chỉ tiêu này được tuyên bố từ tháng 2 thì đến hết tháng 11, con số thực hiện còn thấp hơn nhiều. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 10% và tổng phương tiện thanh toán cũng chỉ ở mức hơn 10%. Dự kiến hết năm, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 12%-13%, nếu tính cả đầu tư có bản chất tín dụng là 15% và tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%.
Theo phân tích của một chuyên gia tài chính ngân hàng, giá đầu vào tăng sẽ làm sản lượng hàng hóa của doanh nghiệp ít đi, nếu cung tiền vẫn bơm ra lớn sẽ làm mất cân đối tiền – hàng gây lạm phát. Nhưng nếu ngân hàng trung ương cũng giảm cung tiền tương ứng với sản lượng thì sẽ có tác dụng làm mặt bằng giá cả không thay đổi.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê, bình luận mục tiêu đưa lạm phát về một con số trong năm 2012 là rất khó khăn, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động và lộ trình điều chỉnh giá theo thị trường vẫn tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, nếu tiếp tục kiên trì điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt, linh hoạt trong năm tới sẽ có tác động hỗ trợ nhất định đến kiềm chế lạm phát.
Khó giữ lạm phát ở mức 18% Ông Nguyễn Đức Thắng cho biết “ẩn số” CPI của cả năm 2011 này còn phụ thuộc vào một đợt lấy giá cuối cùng chốt lại vào ngày 15-12 tới. Như vậy, việc tăng trần giá vé máy bay hay tăng cước vận tải (đường sắt và đường bộ) chưa ảnh hưởng đến CPI năm nay. Dư địa cho CPI theo chỉ tiêu của tháng 12 còn 0,5% vì tính chung 11 tháng, CPI đã tăng tổng cộng 11,5%. Nhưng ông Thắng cho rằng theo ghi nhận trên thị trường, khả năng hoàn thành chỉ tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 18% là chưa chắc chắn.
Bình luận (0)