Các nhà hoạt động của tổ chức Hòa bình Xanh phản đối bên ngoài hội nghị ngày 10-12. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, tất cả phái đoàn đồng ý vào năm tới bắt đầu đàm phán về một hiệp ước mới mang tính ràng buộc pháp lý nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nếu được thông qua như kế hoạch vào năm 2015, hiệp ước này sẽ có hiệu lực vào năm 2020, trở thành vũ khí chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Hiện tại, theo Nghị định thư Kyoto, chỉ có các nước công nghiệp phát triển phải thực hiện các chỉ tiêu mang tính ràng buộc pháp lý về cắt giảm khí thải nhà kính. Nghị định thư Kyoto dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2012 nhưng hội nghị đã nhất trí gia hạn thêm 5 năm. Ngoài ra, hội nghị đồng ý thành lập Quỹ Khí hậu xanh để giúp các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.
Kết quả hội nghị nói trên đánh dấu lần đầu tiên các nước thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất thế giới sẽ buộc phải có hành động để giảm bớt lượng khí thải này. Bộ trưởng Năng lượng và Khí hậu Anh Chris Huhne nhận định rằng đây là một thành công lớn của nền ngoại giao châu Âu. Ông nói: “Chúng tôi đã thành công trong việc đưa những nước thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, như Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc vào trong một lộ trình hứa hẹn mang lại một thỏa thuận toàn cầu”. Trong khi đó, phái viên khí hậu Mỹ Todd Stern nói Washington hài lòng với kết quả hội nghị.
Trung Quốc, Ấn Độ không hài lòng Ngoài các cuộc tranh cãi về những chi tiết kỹ thuật, các cuộc đàm phán cũng bộc lộ những bất đồng sâu sắc giữa Trung Quốc, Ấn Độ với Liên hiệp châu Âu, Mỹ. Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Jayanthi Natarajan đã lên án điều mà bà gọi là sức ép không công bằng để buộc nước này thỏa hiệp về các thỏa thuận tại hội nghị, đồng thời cho biết New Delhi chỉ miễn cưỡng thông qua chúng. Trong khi đó, trưởng phái đoàn Trung Quốc cáo buộc các nước phát triển (danh tính không được nêu ra) là đạo đức giả khi yêu cầu những nước nghèo hơn chia sẻ quá nhiều gánh nặng trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. |
Bình luận (0)