Giới môi giới nhà đất tại TPHCM cho biết càng về cuối năm, lượng nhà, căn hộ khách ký gửi bán càng tăng mạnh. Đặc biệt, do cung nhiều trong khi cầu không cao nên nhiều người sẵn sàng bán rẻ hơn so với giá thị trường để sớm thu tiền trả nợ ngân hàng (NH).
Chấp nhận bán rẻ hơn giá thị trường
Anh Trần Xuân Nguyên, người đang rao bán căn hộ tại một chung cư ở quận Bình Thạnh, cho biết vì cần tiền trả NH nên anh chấp nhận bán rẻ hơn giá thị trường nhưng do giấy tờ nhà đang thế chấp nên người mua vẫn cố tình ép giá, trả giá thấp hơn cả giá anh mua cách đây một năm là 950 triệu đồng. “Mỗi ngày, nhân viên NH đều điện thoại hối thúc phải thanh toán số tiền hơn 10 triệu đồng/tháng (cả gốc và lãi) trên tổng số tiền tôi vay. Gặp khó khăn trong công việc, không có tiền trả hằng tháng, nay đành chấp nhận bán rẻ, bán lỗ nhưng vẫn chưa bán được”- anh Nguyên lo lắng.
Nguồn cung nhà đất ngày càng nhiều khiến người có nhu cầu bán nhà gặp khó khăn. Ảnh: Hồng Thúy
Nhiều văn phòng môi giới địa ốc cho biết cũng như mọi năm, càng về cuối năm, nhu cầu bán nhà trả nợ càng tăng nhưng năm nay hiện tượng này tăng đột biến, trong khi người mua lại ít hơn nên bên bán phải chấp nhận hạ giá, nhất là những trường hợp giấy tờ nhà đang thế chấp ở NH, vốn “kén” người mua.
Ngân hàng thúc nợ
Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), ông Trương Đình Long, cho biết thời điểm này, số lượng hợp đồng khách hàng vay vốn đến hạn phải thu đã tăng 10%-15% so với năm ngoái. NH đang phải tìm mọi cách để hối thúc khách hàng thanh toán đúng hạn nhằm giảm thiểu tối đa tỉ lệ này để không phải chuyển sang nợ xấu. Theo ông Long, nguyên nhân của tình trạng trên là do khách hàng dù là vay tiêu dùng, thanh toán bằng nguồn thu từ lương nhưng tình hình kinh tế khó khăn, nguồn thu nhập không được như trước, dẫn đến mất khả năng thanh toán hằng tháng, khi nợ đến hạn buộc lòng họ phải bán nhà để trả nợ. Có thể đây là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung nhà đất trên thị trường gần đây tăng mạnh.
Ông Huỳnh Nguyên Bình, Giám đốc phát triển kinh doanh của NH Nam Á (Nam A Bank), cho biết các NH đang hạn chế cho vay mới đối với khách vay tiêu dùng, đồng thời phải hối thúc khách hàng trả nợ đúng hạn. Đối với khách vay sản xuất kinh doanh, trước đây, khách có thể “lách” bằng cách này, cách khác để đáo hạn nợ NH nhưng gần đây, các NH đều siết lại, kiểm soát hồ sơ, quy trình hết sức chặt chẽ nên nhiều khách hàng có nợ đến hạn nhưng không có nguồn trả đành chịu “bước đường cùng” là bán tài sản thế chấp để trả nợ.
Giám đốc chi nhánh của một NH tại TPHCM cho biết bản thân ông cũng đang phải rao bán nhà của khách để thu hồi món nợ hơn 10 tỉ đồng vì đã đến hạn mà khách hàng không có khả năng thanh toán. Nhà nằm mặt tiền đường Trần Phú (quận 5), trước đây NH định giá 18 tỉ đồng (giá thị trường là 22 tỉ đồng) nhưng nay khách đồng ý bán giá chỉ 15 tỉ đồng. “Nếu khách hàng không trả nợ, NH buộc phải khoanh thành nợ xấu và xử lý theo trình tự như kiện ra tòa, thông báo đấu giá tài sản thế chấp… rất nhiêu khê và phiền phức. Cả NH cũng như khách hàng đều không muốn phải dẫn đến bước này. Vì vậy, họ buộc phải bán nhà đã thế chấp với giá thấp”- vị này giải thích.
Nên thanh toán qua NH Theo các NH, mua nhà đang bị thế chấp tại NH là điều bình thường. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, người mua nhà nên đến thẳng NH mà người bán đang thế chấp nhà yêu cầu thực hiện dịch vụ thanh toán tiền qua NH. Trong trường hợp này, NH sẽ tạm thời kiểm soát số tiền mua bán nhà cho đến khi thủ tục sang tên hoàn tất. Người mua nhà cũng không nên để người bán nhà dùng tiền của mình tất toán hợp đồng với NH trước khi thủ tục mua bán hoàn thành. Vì sau đó, nếu có trục trặc về giấy tờ, thủ tục mà người mua không thể đứng tên hoặc không mua được nhà thì sẽ khó đòi lại tiền.
Bình luận (0)