Hành khách mua vé máy bay tại phòng vé của Vietnam Airlines ở TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Vé bay đêm cũng tăng mạnh
Chị Trần Thụy Hương, người phụ trách việc mua vé máy bay của một cơ quan Nhà nước có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm - Hà Nội, cho biết tuần trước, chị vừa mua vé cho 4 người đi công tác ở TPHCM với giá 1,63 triệu đồng/vé/chiều. Đây là mức vé khá thấp dành cho các chuyến bay đêm, so với giá sát trần tại thời điểm đó là 2,494 triệu đồng/vé/chiều. Thời điểm mua vé cách thời gian khởi hành 8 ngày.
Hôm qua (15-12), vừa đặt vé cũng chặng Hà Nội - TPHCM, chị Hương được thông báo giá vé thấp nhất cho các chuyến bay đêm ngày 23-12 là 2,354 triệu đồng/vé/chiều, trên chuyến bay khởi hành lúc 20 giờ 30 phút. Tính theo giá mới, giá vé sát trần được bán ở mức 2,86 triệu đồng/vé/chiều.
Nhân viên phòng vé của VNA khu vực phía Bắc giải thích với chị Hương: “Tất cả các đường bay nội địa đều tăng giá vé từ ngày 15-12. Mức giá 1,63 triệu đồng trước đây hiện nay đã tăng lên 1,9 triệu đồng”. Để tránh thời điểm Noel, chị Hương mua vé lùi lại vài ngày để tìm kiếm cơ hội bay rẻ. Kết quả là nếu bay ngày 21-12 sẽ có các giá 1,914 triệu đồng/vé/chiều trên chuyến bay khởi hành lúc 21 giờ và giá 1,699 triệu đồng/vé/chiều trên chuyến bay khởi hành lúc 22 giờ.
Các chặng bay ngắn còn có mức tăng cao hơn. Trên đường bay Hà Nội - Vinh, mức giá sát trần 1,245 triệu đồng như trước đây nay trở thành mức giá thấp của hạng phổ thông. Còn giá sát trần tăng lên 1,496 triệu đồng/vé/chiều.
Đại diện hãng Air Mekong cho biết từ ngày 10-12, hãng đã bán vé theo giá mới. Các mức giá cũ vẫn được giữ nguyên và bổ sung 3 mức giá mới ở trần trên, mỗi mức giá chênh nhau khoảng 200.000 đồng. Cùng ngày khởi hành như trên, giá vé của Air Mekong đang bán có mức sát trần là 2,56 triệu đồng/vé/chiều và giá thấp nhất là 1,385 triệu đồng/vé/chiều.
Riêng hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific chưa chốt ngày tăng giá. Hiện nay, hãng còn khoảng hơn 10% vé Tết chuẩn bị mở bán đợt cuối theo giá mới.
Du lịch lao đao
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, nhận xét tăng đến gần 40% giá vé máy bay từ đầu năm đến nay không khỏi làm ngành du lịch nội địa lao đao. Với khách hàng, khi giá tour nội địa tăng cao, họ sẽ có sự lựa chọn và chuyển hướng qua chọn tour đi nước ngoài. Chẳng hạn, chỉ riêng vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội - TPHCM, khách hàng có thể thay bằng tour đến Thái Lan 7 ngày hoặc 2 tour đi Campuchia. Trước kia, chưa tăng giá vé máy bay, tour từ TPHCM đi Hà Nội đã đắt hơn tour đi các TP nước lân cận như Bangkok, Kuala Lumpur… Vì vậy, thời gian tới chắc chắn sẽ có sự dịch chuyển xu hướng đi du lịch từ trong nước ra nước ngoài của người dân.
Ông Lý Tất Vinh, Trưởng Phòng Kế hoạch kinh doanh và đầu tư - Công ty CP Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn, cho biết trước đây, du khách nước ngoài đến Việt Nam thường chọn tour liên tuyến hoặc xuyên Việt qua 2, 3 chặng bay như Hà Nội - Huế - Đà Nẵng lên Buôn Ma Thuột rồi về TPHCM kéo dài 12 đến 15 ngày. Nay giá vé máy bay tăng cao sẽ làm họ chùn bước. “Trong khi giá vé của VNA tăng cao thì các hãng hàng không quốc tế lại không tăng. Khi đó, chúng ta không chỉ mất khách quốc tế mà ngay khách du lịch trong nước cũng chuyển sang tour nước ngoài” - ông Lý Tất Vinh lo ngại.
Rẻ... mà đắt! Việc tăng giá vé máy bay được quyết định vào thời điểm cuối năm cũng gây áp lực lớn đến người tiêu dùng vì cùng lúc vừa phải trả thêm tiền vừa phải “canh me” mua vé Tết. Như vậy, cơ hội cho những người muốn “lần đầu được đi máy bay” chỉ còn ở các hãng kinh doanh theo mô hình hàng không giá rẻ. Jetstar Pacific thỉnh thoảng tung ra đợt vé chỉ 20.000 đồng (chưa thuế) mở bán vào chiều thứ sáu hằng tuần hoặc có các đợt khuyến mãi 350.000 đồng/vé/chiều trên một số chặng nội địa vào mùa thấp điểm. Hãng hàng không thế hệ mới VietJet Air cũng vừa bán hết 2.000 chỗ với giá 20.000 đồng/vé/chiều nhân dịp nhận máy bay mới. Tuy nhiên, vé bay sát ngày của các hãng giá rẻ lại cao hơn mức thông thường của VNA. |
Bình luận (0)