Giữa năm 2011, Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn – Đắk Lắk là điểm nóng của cả nước về tình trạng phá rừng. Lạ một điều là lâm tặc lại chọn những cổ thụ quý hiếm cạnh các đường tuần tra, trạm bảo vệ rừng để chặt hạ. Để hạ một cây gỗ hương đường kính khoảng 1 m, chỉ cách trạm bảo vệ rừng vài trăm mét là điều khó thể xảy ra nếu không có sự tiếp tay của những người bảo vệ rừng.
Những con sâu
Nếu năm 2007, VQG Yok Đôn mất 81 cây gỗ quý thì năm sau, con số ấy tăng gấp 3 lần và tiếp tục tăng mạnh trong các năm sau. Năm 2010, chỉ riêng số gỗ bị lâm tặc để sót lại tại Yok Đôn đã lên đến 1.000 m3! Đến nay, đã có hàng trăm vụ vi phạm lâm luật với mức thiệt hại rất lớn nhưng không được lực lượng kiểm lâm lập hồ sơ xử lý.
Hàng trăm cây gỗ quý hiếm bị chặt hạ gần các đường tuần tra và trạm bảo vệ rừng của VQG Yok Đôn. Ảnh: CAO NGUYÊN
Sau khi dư luận lên tiếng, mới đây, lãnh đạo VQG Yok Đôn đã tiến hành kỷ luật 6 cán bộ kiểm lâm do có hành vi bao che, tiếp tay cho lâm tặc trong đợt phá rừng tại các tiểu khu 502, 503, 507... Tuy nhiên, đây là con số hết sức khiêm tốn trước thực trạng VQG Yok Đôn đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 28-8, Công an huyện Buôn Đôn phát hiện tại Tiểu khu 492 của VQG Yok Đôn có gỗ hương bị lâm tặc chặt hạ. Sau khi điều tra, Công an huyện Buôn Đôn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 5 lâm tặc, trong đó có Trần Anh Thi, nguyên cán bộ kiểm lâm VQG Yok Đôn.
Nơi cây gỗ hương bị nhóm này chặt hạ chỉ cách đường tuần tra 30 m, tiếng cưa máy chạy ầm ầm suốt nhiều giờ liền nhưng vẫn không bị kiểm lâm phát hiện. Những lâm tặc này khai nhận đã hai lần bị lực lượng kiểm lâm trạm Đắk Na và tổ tuần tra của đội kiểm lâm cơ động số 2 bắt gặp. Dù biết họ có hành vi đưa trái phép vào rừng các phương tiện, công cụ cơ giới nhưng không hiểu sao, hai nhóm kiểm lâm này vẫn không tạm giữ phương tiện, không lập biên bản vi phạm mà lại lập biên bản phương tiện vô chủ! Liên quan đến vụ này, ngày 26-10, Công an huyện Buôn Đôn đã có công văn yêu cầu lãnh đạo VQG Yok Đôn xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các cán bộ kiểm lâm liên quan.
Nháy nhỏ, ngó lơ
Bình Thuận cũng là địa phương có diện tích rừng khá lớn, mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ phá rừng với hàng trăm mét khối gỗ bị đốn hạ. Câu hỏi đặt ra là lực lượng kiểm lâm ở đâu mà để rừng bị tàn phá vô tội vạ như vậy?
Theo báo cáo của ngành NN-PTNT Bình Thuận tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa tổ chức từ ngày 13 đến 16-12, chỉ trong 10 tháng của năm 2011, toàn tỉnh có hơn 1.100 vụ vi phạm lâm luật. Tuy nhiên, báo cáo chỉ dừng lại ở việc nêu con số, còn nguyên nhân và trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng thì không được đề cập.
Một đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận đã chất vấn gay gắt ngành NN-PTNT địa phương về vụ tàn phá hơn 400 cây bằng lăng ở rừng La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc trong năm 2011. Lâm tặc đã đưa cưa máy, phương tiện cơ giới vào hoạt động ì xèo suốt thời gian dài nhưng các chốt, trạm kiểm lâm vẫn không phát hiện. Ông Mai Kiều, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết trong vụ phá rừng này, cơ quan chức năng đã xác định 2 kiểm lâm viên có dấu hiệu móc nối với lâm tặc và sở đang chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ làm rõ.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng” xảy ra tại xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc. Theo đó, lợi dụng việc UBND huyện cho phép cưa một số cây có nguy cơ ngã đổ ở xã Đông Giang, một đầu nậu đã móc nối với lâm tặc triệt hạ cây rừng rồi trà trộn với số gỗ có giấy phép, sau đó vận chuyển ra khỏi địa bàn. Điều đáng nói là ngay tại xã Đông Giang có một kiểm lâm viên được phân công cắm chốt, theo dõi địa bàn. Khi UBND huyện cho phép cưa cây, Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc còn cử một cán bộ đến trực tiếp giám sát, vậy mà gỗ lậu vẫn qua lọt.
Dù lãnh đạo ngành NN-PTNT tỉnh Bình Thuận khẳng định luôn kiên quyết xử lý các cá nhân vi phạm trong việc bảo vệ rừng nhưng dư luận vẫn rất hoài nghi. Bởi lẽ, trong vụ phá rừng ở xã Đông Giang, chỉ có ông Giáp Văn Biên, cán bộ kiểm lâm địa bàn, bị cảnh cáo; vụ phá rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên núi Ông - huyện Tánh Linh thì chỉ điều chuyển kiểm lâm viên Trạm Đức Bình sang nơi khác…
Trong khi đó, tại Ninh Sơn, một trong 2 huyện vùng cao có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Ninh Thuận, tình trạng “chảy máu” rừng vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Khảo sát của Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn vào tháng 10-2011 cho thấy toàn huyện có gần 40 cơ sở cưa xẻ gỗ chui hoạt động nhiều năm qua. Dư luận địa phương cho rằng nếu lực lượng kiểm lâm không làm ngơ, thậm chí tiếp tay, thì những cơ sở này khó thể ngang nhiên tồn tại và hoạt động nhiều năm như vậy.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, thừa nhận: “Một số cán bộ kiểm lâm do mối quan hệ quen biết nên đã “nháy nhỏ” với các cơ sở này khi có đoàn kiểm tra. Điều đó chắc chắn có”. Ông Phạm Tấn Dũng, nguyên hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn, cũng cho biết thỉnh thoảng cơ sở gỗ lậu có tuồn về gỗ chui, anh em kiểm lâm quen biết quá nên… ngó lơ!
Bình luận (0)