Một hướng dẫn có tính chất lừa nạp tiền của kẻ xấu trên mạng
“Ma trận” hướng dẫn
Đầu tháng 11, anh N.Đ.T (ngụ huyện Bình Chánh - TPHCM) đã bị lừa sau khi làm theo chỉ dẫn nạp tiền của một website trên mạng. Anh cho biết sau khi lên internet và bắt gặp một trang web có thông tin: “Các bạn chỉ cần nhập chính xác 3 dãy số trên vào cú pháp *136*MK sever*MST*mã PUK # và nhấn nút gọi thì hệ thống sẽ tự động đăng nhập số điện thoại của bạn vào TIS (Telephone of Intermediacy Server) mà tôi tạo ra và tài khoản của số điện thoại người gửi sẽ tự động được cộng thêm tiền “hack” được sau khi đăng nhập (tiền “hack” được sẽ cộng thêm vào tài khoản chính)… Sau khi làm xong những bước trên, các bạn chỉ cần đợi 15 phút sẽ có tin nhắn trả lời và tài khoản chính của các bạn đã được cộng thêm 200.000 đồng. Nếu làm 2 lần liên tiếp, tài khoản sẽ được cộng thêm 500.000 đồng”.
Anh T. làm theo hướng dẫn và vài phút sau thì nhận được tin nhắn từ tổng đài cho biết số điện thoại của anh vừa chuyển tiền sang một số điện thoại nào đó trong cùng mạng. Kiểm tra lại tài khoản, anh nhận thấy mình đã bị mất 30.000 đồng. Gọi tổng đài, anh được cho biết mình vừa thực hiện câu lệnh chuyển tiền cho một số điện thoại khác.
Anh Hoàng Dũng, chủ một cửa hàng viễn thông, cho biết hiện tượng này anh bắt gặp đầy rẫy trên mạng và cũng đã có nhiều khách hàng hỏi. “Có 2 hình thức lừa đảo nạp tiền trên mạng và kẻ xấu đã lập ra các website hoặc đưa bài lên các diễn đàn hướng dẫn cách “hack” tiền này nhưng thực chất là lừa nạp tiền” – anh Dũng nói. Theo anh Dũng, với hình thức thứ nhất, kẻ xấu sẽ hướng dẫn người dùng kích hoạt tính năng chuyển tiền của nạn nhân, sau đó hướng dẫn cú pháp để “hack” tăng tiền nhưng thực chất đây là cú pháp chuyển tiền sang cho số điện thoại của chúng. Cách lừa đảo này dựa vào dịch vụ “bắn tiền” của nhà mạng. Dựa trên cú pháp chuyển tiền của nhà mạng, kẻ xấu đã chèn vào số điện thoại của chúng và số tiền mà chúng muốn nạn nhân chuyển. Anh Dũng phân tích: “Cú pháp *136*01100010*841699449505*30000# thì 841699449505 là số điện thoại của kẻ xấu và 30000 là số tiền mà chúng muốn nạn nhân chuyển”.
Một hình thức lừa nạp tiền khác là tạo ra một trang web có những lời chào mời hấp dẫn như chương trình “hack” nạp tiền tự động mạng Mobifone, là trang web hỗ trợ “hack” nạp tiền thông qua lỗ hổng mạng Mobifone. Quá trình “hack” được diễn ra hoàn toàn tự động và miễn phí với tỉ lệ thành công là 100%... Bằng cách này, kẻ xấu yêu cầu người dùng mua một thẻ cào điện thoại mới, sau đó cung cấp dãy số seri trên thẻ cào cho chúng để hệ thống tự động “hack” tăng tiền lên và chuyển cho người dùng. Thực chất, sau khi bạn cung cấp dãy số seri nạp tiền, kẻ xấu sẽ sử dụng nó để nạp tiền vào tài khoản của chúng.
Không nên tò mò mà mất tiền
Tìm hiểu trên mạng, chúng tôi được biết bên cạnh việc lập ra các website để lừa nạp tiền của những người dùng điện thoại di động, kẻ xấu còn đem các bài viết hướng dẫn “hack” tiền spam khắp trên mạng internet. Bọn chúng còn lập ra hàng loạt blog; đưa các bài viết lên các diễn đàn, mạng xã hội; gửi tin nhắn Yahoo! Messenger… hướng dẫn cách “hack” tiền.
Bằng lời lẽ “thuyết phục”, những bài viết hướng dẫn “hack” tiền này đã trở thành những cái bẫy đầy hữu hiệu. Mục đích của các đối tượng này là tạo ra một mạng lưới lừa đảo nạp tiền rộng lớn bủa vây người tiêu dùng.
Ông Hoàng Phú Nam, Giám đốc Công ty Di động HNAMMOBILE, cho biết kẻ xấu đã lợi dụng tính tò mò và lòng tham của người tiêu dùng để dụ dỗ họ làm theo các hướng dẫn “hack” tiền của chúng. Thực chất, không thể lấy tiền một cách dễ dàng như vậy vì các nhà mạng có mức độ bảo mật cao trong các thao tác liên quan đến nạp tiền. Vì vậy, người tiêu dùng dùng tuyệt đối không nên tin và làm theo các hướng dẫn này mà mất tiền một cách oan ức.
Lập website để lừa Hiện tại, có hàng chục website được lập ra để hướng dẫn người dùng “hack” tiền điện thoại nhưng thực chất là lừa nạp tiền, có thể điểm qua các trang vẫn còn tồn tại như http://trumhackervt.wordpress.com, http://hackdienthoai.tk/... Còn số lượng các bài viết hướng dẫn cách “hack” tiền điện thoại xuất hiện trên internet thì nhiều không kể nổi. Chỉ cần vào Google gõ vào từ khóa “hack tiền điện thoại” là sẽ xuất hiện hàng trăm trang web có các bài viết hướng dẫn “hack” tiền mang tính chất lừa đảo này. |
Bình luận (0)