Sáng 19-12 tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã họp báo công bố kết quả kiểm tra tại 4 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối là Petrolimex, Saigon Petro, PV Oil, Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp.
Petrolimex lãi 130 tỉ đồng
Việc kiểm tra được tiến hành sau khi có ý kiến bất đồng giữa đại diện Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về giá xăng dầu trong cuộc hội thảo ngày 20-9. Thông báo kết quả kiểm tra của DN lớn nhất trong ngành xăng dầu là Petrolimex, ông Lê Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho biết tại thời điểm ngày 26-8, với từng mặt hàng kinh doanh: Xăng RON 92 lãi 202 đồng/lít, xăng RON 95 lỗ 90 đồng/lít, dầu diesel DO 0,25S lãi 365 đồng/lít, DO 0,05S lãi 540 đồng/lít. Ngoài ra, dầu FO 3,5S lãi 167 đồng/lít, FO 3,0S và các mặt hàng khác lãi 454 đồng/lít, KO lãi 100 đồng/lít. Trong giai đoạn từ ngày 1-7 đến 26-8, ước tính tổng lãi của Petrolimex là 130 tỉ đồng, trong đó, lãi xăng dầu là 113,657 tỉ đồng. Bình quân, giai đoạn này, Petrolimex lãi 90,57 đồng/lít.
Mức trích thù lao của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chi cho đại lý đều vượt quy định cho phép
Cùng thời gian trên, kết quả kinh doanh xăng dầu nội địa của Saigon Petro mặc dù báo cáo lỗ 44,6 tỉ đồng nhưng nếu thực hiện chi phí theo chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở đã có lãi 48 tỉ đồng. Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp báo cáo lỗ 55,23 tỉ đồng nhưng nếu thực hiện chi phí theo định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì có lãi 22 tỉ đồng.
Trên cơ sở này, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, khẳng định việc điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu tại thời điểm ngày 26-8 là hợp lý. Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết việc công bố kết quả kiểm tra này là bước đầu thực hiện minh bạch cơ chế, minh bạch thông tin trước người dân.
Lộn xộn chi hoa hồng!
Trong quá trình kiểm tra, Bộ Tài chính cũng phát hiện các DN đầu mối đã trích hoa hồng quá cao cho các đại lý, tổng đại lý, tuy nhiên kết luận của cơ quan này lại không đề cập quyền lợi của người tiêu dùng bị tác động như thế nào. Tại Petrolimex, qua rà soát từ tháng 3 đến tháng 9-2011 đối với mặt hàng xăng, mức chi thù lao đại lý của Công ty Xăng dầu B12 từ 210-830 đồng/lít. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại PV Oil. Nhiều thời điểm số tiền trích thù lao cho đại lý, tổng đại lý tại đơn vị này rất cao, lên tới 900 đồng/lít, vượt mức tổng chi phí cho phép được chi là 600 đồng/lít. Mức trích thù lao đại lý tại Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp trong tháng 6-2011 cũng cao vượt mức 600 đồng/lít, ở mức 867,29 đồng/lít.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), khẳng định chi phí này người tiêu dùng không phải chịu, Nhà nước cũng không cấp bù mà DN phải tự trang trải trong quá trình kinh doanh.
Về quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính đánh giá cơ bản các DN đã trích lập sử dụng theo quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy cơ chế trích, quản lý và sử dụng quỹ này tại các DN còn nhiều bất cập và khó kiểm soát. Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị đưa quỹ bình ổn giá xăng dầu về cơ quan Nhà nước quản lý.
Dù tiếng là điều hành giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước nhưng thực tế thị trường lại đang do DN, nhóm DN thống lĩnh thị trường chi phối. Vì vậy, qua kết quả kiểm tra mới đặt ra vấn đề phải có quy định khống chế chi phí kinh doanh và thù lao đại lý. Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính |
Bình luận (0)