xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giá thuốc lặng lẽ tăng

NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH

Đến hẹn lại lên, vào dịp cuối năm, thuốc lại rục rịch tăng giá trong sự bất lực của cơ quan quản lý

Khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động tại một số nhà thuốc, chợ dược phẩm trên địa bàn TPHCM cho thấy thuốc đang rục rịch tăng giá, đặc biệt là nhóm đặc trị.

Nhiều loại tăng chóng mặt

Chị H.D.D (ngụ Đồng Tháp, đang điều trị bệnh ung thư tử cung) cho biết mới đây, khi đi mua thuốc đặc trị Avastin, chị đã phát hoảng vì nó tăng chóng mặt với giá gần 10 triệu đồng/ống.

Ông L.V.B (54 tuổi, ngụ quận 3-TPHCM) đang điều trị ngoại trú bệnh tăng huyết áp, tim mạch, cholesterol và uống thuốc cố định hằng tháng theo toa bác sĩ gồm các loại như Vastarel,  Plendil, Lipitor… Lâu nay, giá trị toa thuốc ông uống chỉ chừng hơn 250.000 đồng nhưng mới đây, ghé vào một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), ông giật mình vì giá bán tăng lên gần gấp đôi.

img

Hằng tháng, có khoảng 0,8% tổng số mặt hàng thuốc trên thị trường tự do tăng giá. Ảnh: Nguyễn Thạnh

Chị P., chủ một hiệu thuốc trên đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội), cho biết khoảng 2 tuần nay, nhiều loại thuốc đã được dán giá mới. Cụ thể: kháng sinh Tavanic 500 mg (hộp 5 viên) từ 48.000 đồng/hộp lên 55.000 đồng/hộp; một số loại thuốc nhỏ mắt như Oflovid (dạng mỡ) từ 65.000 đồng lên 75.000 đồng/tuýp, Oflovid (dạng nước) từ 51.000 đồng lên 56.000 đồng/lọ…

Theo chị H., nhân viên một hiệu thuốc khá lớn trên phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội), trong năm 2011, đã có nhiều đợt tăng giá thuốc với mức phổ biến từ 5%-10%. “Giá thuốc sẽ không tăng mạnh và kéo dài như thực phẩm mà tăng liền nhiều loại trong cùng thời điểm, sau đó giữ nguyên giá. Tuy nhiên, vào dịp cuối năm, thuốc lại thường tăng giá” - chị P. nhận định.

Dược sĩ Trần Đức Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam, cho biết hằng tháng, có khoảng 0,8% tổng số mặt hàng thuốc trên thị trường tự do tăng giá, ước tính cả năm là khoảng 9,6%.

Không thể đưa ra giá tối đa

Hầu như năm nào cũng vậy, vào thời điểm cuối năm, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) lại có văn bản “nhắc nhở” các doanh nghiệp dược và những cơ sở sản xuất, phân phối dược phẩm về chuyện giá thuốc; đồng thời khẳng định sẽ xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng sự điều chỉnh giá một số mặt hàng trọng yếu để tăng giá bất hợp lý. Thế nhưng, thực tế cho thấy mọi chuyện đâu lại vào đấy.

Tại buổi làm việc nhằm lấy ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước về giá thuốc diễn ra tại TPHCM, Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường thừa nhận cơ quan quản lý không thể kìm được giá thuốc và việc giữ giá thuốc đứng yên hoặc đưa giá tối đa cho từng loại thuốc là không thể. Theo ông Cường, thuốc là hàng hóa nên giá cũng phải lên xuống tùy tình hình chung của thị trường. “Việt Nam hiện có đến 22.000 mặt hàng thuốc với hơn 1.500 hoạt chất nên việc đưa ra giá tối đa cho từng loại thuốc là điều khó có thể làm được” – ông Cường nói.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chỉ riêng TPHCM đã có tới 4.000 nhà thuốc, hơn 600 công ty dược. Việc quản lý giá thuốc là giữ ổn định chứ không thể cố định. Mới đây, UBND TPHCM vừa giao Sở Y tế phối hợp với các bệnh viện và doanh nghiệp bổ sung danh mục thuốc chữa bệnh vào chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng triển khai chương trình “thuốc Việt cho người Việt” trên địa bàn 24 quận, huyện…

Theo Bộ Y tế, hiện đang thực hiện quản lý giá thuốc bán lẻ trong bệnh viện, không để mặt hàng này cao hơn giá bán ngoài thị trường tự do. Ngoài ra, ngành y tế cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện phương án thí điểm về quản lý giá thuốc để hạn chế việc mua bán lòng vòng, nâng giá bất hợp lý.

Thuốc ngoại tăng 8%-12%

Ngày 22-11, Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam đã ra công bố cho thấy trong gần 9.000 mặt hàng dược phẩm trên toàn quốc được khảo sát trong thời gian qua, có nhiều loại điều chỉnh tăng giá. Trong đó, phần lớn là thuốc nhập khẩu với mức tăng từ 8%-12%. Cụ thể: Morihepamil 200 mg từ 106.000 đồng lên 115.000 đồng/tuýp, Marvelon từ 49.000 đồng lên 54.000 đồng/hộp, Merxilon từ 69.000 đồng lên 77.000 đồng/hộp, Augmentin 500 mg từ 165.000 đồng lên 180.000 đồng/hộp, Augmentin 1g từ 248.000 đồng lên 270.000 đồng…
N.Dung

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo