Tốt nghiệp Trường THPT Bình Phú, quận 6 – TPHCM đã 3 năm nay nhưng Huỳnh Khải Dũng vẫn ngày ngày đến CLB Sáng tạo của trường để truyền lửa cho đàn em với tư cách là chủ nhiệm CLB. Những sản phẩm sáng tạo của Dũng như: mũ bảo hiểm thông minh, hệ thống đèn giao thông dành cho xe buýt, máy báo vấp ngã cho người già, máy phát điện mini, máy giao thoa sóng nước... đều được đánh giá cao ở những cuộc thi sáng tạo khoa học trẻ.
Học lớp 2 đã biết chế đồ chơi
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không khá giả ở quận 6, Huỳnh Khải Dũng không có tiền mua những món đồ chơi mới tinh, đủ màu sắc, đắt tiền như các bạn cùng trang lứa. Để có đồ chơi, Dũng phải mày mò tự chế từ phế liệu. Năm học lớp 2, cậu đã tự chế ra con lân cho mình từ giấy đề-can, bao ni-lông, ống nước, giấy cứng và lò xo. Ống nước được cắt nhỏ cùng với bao ni-lông tạo thành thân con lân uốn lượn; bìa cứng làm đầu lân với lò xo ở giữa giúp miệng có thể há ra, ngậm lại; giấy đề - can tạo nên vảy và đuôi lân đầy màu sắc…
Đồ chơi cũ của bạn bè cũng được Dũng lượm lặt rồi tháo ra, sau đó dùng những thứ còn xài được kết hợp lại với nhau để tạo nên đồ chơi mới. Dũng kể: “Có lần, người anh họ chơi xe cần cẩu xong vứt đi, tôi nhặt lại rồi kết hợp với bộ phận tay cầm của máy trò chơi điện tử thành xe điều khiển bằng tay”.
Từ nhỏ, mỗi lần thấy ba và ông ngoại sản xuất nhựa bằng máy ép, Dũng mê lắm. Cậu bé có khiếu sáng tạo lúc đó chăm chú nhìn bộ phận thủy lực ép nhựa trong khuôn, rồi lại quan sát động cơ giúp máy chạy. Niềm đam mê với điện và động cơ điện bắt nguồn từ đó. Biết Dũng thích đồ điện tử, ba cậu hay mua những trò chơi cũ, giá rẻ về cho con “phá”. Từ “phá” đồ chơi đến quạt máy, đồng hồ... rồi xe máy, ổ cắm điện, Dũng khiến ai trong nhà cũng “sợ”.
Đến khi được ba mẹ cho cái máy cassette bị hư, cậu học sinh 11 tuổi lúc ấy lần đầu tiên được làm quen với bảng mạch điện tử. Nhìn bảng mạch điện tử phức tạp quá, Dũng thực sự thấy tù mù vì kiến thức chưa tới. Mấy ngày sau đó, cậu ra nhà sách đọc “cọp” hết cuốn này đến cuốn khác về điện tử và đã mày mò chế máy cassette hư thành máy phát điện dùng năng lượng gió. Kể từ đó, “cây sáng chế” này đã cho ra đời hàng loạt sản phẩm ứng dụng cao trong cuộc sống.
Càng khó, càng nhiều sáng tạo
Với hầu hết những sản phẩm do mình sáng tạo nên, Huỳnh Khải Dũng cho biết ban đầu, ý tưởng xuất phát từ việc bản thân và gia đình sống trong hoàn cảnh khó khăn. “Với thiết bị máy phát điện mini là do nhà ở đông người, nóng bức nhưng lại hay cúp điện. Với thiết bị báo vấp ngã cho người già là vì bà nội 92 tuổi từng bị té ở nhà nhưng không ai hay. Với hệ thống đèn giao thông dành cho xe buýt, ý tưởng bắt nguồn từ một lần tôi đón xe nhưng do mắt bị cận không nhìn thấy gì...” – Dũng tiết lộ.
Nhiều sản phẩm Dũng chỉ tạo ra trong vòng vài ngày nhưng cũng có không ít thiết bị cậu phải mất nhiều năm để tháo ra, lắp vào, chỉnh sửa và hoàn thiện. Do gia đình còn khó khăn, để tạo nên những sản phẩm mà mình ấp ủ ý tưởng, Dũng vừa đi học vừa làm thêm và gom góp số tiền ăn sáng, tiền mua sách của ba mẹ cho rồi ra chợ Nhật Tảo tìm mua các bộ phận. Đối với Dũng, những lần đoạt giải trong các cuộc thi, số tiền thưởng là niềm vui lớn vì cậu có thể dùng nó để tạo ra các sản phẩm tiếp theo.
Ngoài ra, Dũng cũng đã thử nghiệm phần mềm cài vào máy vi tính giúp mỗi lần trẻ em ngồi quá gần máy, vượt quá khoảng cách cho phép, màn hình sẽ tự tắt. Dũng giải thích: “Trẻ em có thói quen áp mặt quá gần vào màn hình vi tính và tivi nên dễ bị cận thị. Tôi muốn tạo ra phần mềm này để phụ huynh có thể bảo vệ mắt cho con em mỗi khi không ở bên cạnh nhắc nhở”. Sắp tới, Dũng sẽ thử nghiệm tiếp phần mềm này cho màn hình tivi thông qua remote.
Riêng với máy báo vấp ngã, Dũng dự định sẽ hoàn thiện hơn, không chỉ dừng lại báo động khi ngã mà người ở xa còn có thể kiểm tra tình trạng người đeo nó đang ngủ, đi lại hay đang ngồi…
Ứng dụng vào cuộc sống
Trong số những sản phẩm của Dũng tạo ra, nhiều thiết bị được khách hàng gọi điện đặt mua như máy báo vấp ngã cho người già, mũ bảo hiểm thông minh, máy massage USB, máy làm kem, lồng bắt chuột bằng hồng ngoại, sào phơi đồ tự động, máy báo mưa... Thế nhưng, Dũng chỉ làm 1-2 sản phẩm để thử nghiệm nên đành từ chối bán.
Nhiều sản phẩm của Dũng đã giành nhiều giải thưởng: Giải nhất cuộc thi Sáng tạo cấp trường với máy giao thoa sóng nước năm 2007; giải nhất Sáng tạo Bình Phú với máy báo vấp ngã dành cho người già, giải nhì với thiết bị báo quên mũ bảo hiểm năm 2008; giải nhì cuộc thi Thanh thiếu niên tham gia đề xuất các giải pháp và ý tưởng tiết kiệm năng lượng (Trung ương Đoàn tổ chức) với mũ bảo hiểm thông minh và giải khuyến khích với máy phát điện mini năm 2009… Mới đây, năm 2010, sản phẩm mũ bảo hiểm thông minh của Dũng lại giành giải khuyến khích cuộc thi Ý tưởng Sáng tạo trẻ do Thành đoàn TPHCM tổ chức.
Chia sẻ về ước mơ của mình, Dũng cho biết mong muốn sau này có thể mở trung tâm nghiên cứu, sáng tạo đồ chơi trẻ em và đồ dùng thiết yếu trong đời sống. “Nhưng trước mắt, tôi mong là những sản phẩm đã sáng chế được doanh nghiệp nào đó chấp nhận để sản xuất đại trà và đi vào cuộc sống vì chúng mới chỉ dừng lại ở các cuộc thi” – Dũng tư lự. Hiện nay, Dũng đang cố gắng hoàn thành việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm mũ bảo hiểm thông minh.
Dũng thừa nhận những sản phẩm mình làm ra nhiều, cái nào cũng tâm đắc nhưng phải nghiên cứu thêm để hoàn thiện. “Có thể hôm nay, sản phẩm đó hoàn thiện nhưng ngày mai, nó đã trở nên lạc hậu” – Dũng nhận xét.
Đam mê khoa học thật sự Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú, nhận xét: “Dũng là một người đam mê khoa học. Lúc còn đi học, cái gì không hiểu thì em hỏi đi, hỏi lại đến nơi, đến chốn. Những sản phẩm làm ra được Dũng kết hợp kiến thức hai môn lý và hóa”. Theo thầy Lộc, đến nay, sản phẩm sáng chế của Dũng đã lên tới con số hơn 80. Vào tháng 1-2012 tới, những sản phẩm này sẽ được triển lãm cùng với các sản phẩm của các học sinh khác.
“Hiện nhà trường đang giúp Dũng tìm kiếm nhà tài trợ để có thể sản xuất đại trà những sản phẩm này” – thầy Lộc cho biết. |
Bình luận (0)