xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

2011 - Bạo lực, thiên tai, khủng hoảng

BẰNG VY

(NLĐO) – Gần như mỗi tháng trong năm 2011 đều nổ ra một sự kiện khiến cả thế giới phải theo dõi. Xung đột kéo dài triền miên, thảm họa trút tai ương khôn lường, khủng hoảng kéo thế giới vào hố sâu nợ nần… đã biến 2011 trở thành một trong những năm nóng bỏng nhất gần đây.

Dựa trên bình chọn của bạn đọc từ ngày 20-12 đến ngày 27-12, Báo Người Lao Động Online đã tổng hợp 10 sự kiện quốc tế được quan tâm nhiều nhất trong năm 2011:
 
img
Thống kê bình chọn của bạn đọc Người Lao Động Online (tính đến ngày 27-12)
  
1. Thảm họa kép động đất - sóng thần tại Nhật Bản
 
Ngày 11-3, trận động đất mạnh tới 9,0 độ Richter kéo theo sóng thần đã biến vùng bờ biển đông bắc Nhật Bản phút chốc trở nên tan hoang. 15.400 người chết, hơn 8.000 người mất tích, thiệt hại khoảng 210 tỉ USD là những hậu quả thảm khốc mà đất nước mặt trời mọc phải gánh chịu.
 
img
Sóng thần xé toạc bờ biển phía đông bắc Nhật Bản. Ảnh: Reuters
 
img
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 hư hại nặng nề sau thảm họa kép
 
Bi kịch chưa dừng lại ở đó, động đất – sóng thần đã phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, đẩy Nhật Bản vào cuộc chiến đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986. Một số nhà kinh tế dự đoán Nhật Bản phải tốn thêm 200 tỉ USD nữa cho công tác tái thiết.
 
2. Cách mạng Mùa xuân Ả Rập
 
Bắt nguồn từ vụ tự thiêu của một thanh niên người Tunisia vào ngày 2-1-2011, các cuộc biểu tình đã lật đổ chính quyền của Tổng thống Ben Ali, buộc ông này phải lưu vong vào cuối tháng 1-2011. Cuộc bạo động chính trị ở Tunisia lan sang 22 quốc gia Ả Rập khác ở Bắc Phi và Trung Đông khác như Ai Cập, Libya, Syria, Yemen, Jordan…
 
img
Bạo lực tại Ai Cập vẫn diễn ra hàng ngày sau khi ông Mubarak từ chức. Ảnh: AP
 
Tại Ai Cập, Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức vào ngày 12-2 và đối mặt với án tử hình với các tội danh tham nhũng, lạm quyền. Thế nhưng, hiện nay đụng độ vẫn liên tiếp nổ ra giữa người biểu tình và quân đội dù quân đội Ai Cập đã cam kết chuyển giao quyền lực vào cuối tháng 11-2011 cũng như các cuộc bầu cử đang được tiến hành.
 
Đáng lo ngại nhất là tình hình Syria. Sau 9 tháng bạo lực với số người thiệt mạng ước tính vượt quá 5.000 người, Syria đã bị Liên Hiệp Quốc lên án phạm tội ác chống lại loài người và bị Liên đoàn Ả Rập trừng phạt vào tháng 11-2011.
 
img
70.000 người biểu tình ở Homs - Syria ngày 27-12. Ảnh: Reuters
  
Phải đến những ngày cuối năm 2011, Syria mới chấp thuận cho quan sát viên của Liên đoàn Ả Rập vào nước này giám sát quá trình chấm dứt bạo lực. Nhưng tình hình ở nước này vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
 
3. Trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt
 
Sau nhiều năm lẩn trốn, ngày 2-5, trùm khủng bố Osama Bin Laden, thủ lĩnh mạng lưới al-Qaeda, bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tại Pakistan. Tiêu diệt được kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001 trước dịp kỷ niệm 10 năm sự kiện này được xem là bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo.
 
img
 Người dân Iraq ở Baghdad theo dõi hình ảnh được khẳng định là xác của Osama bin Laden trên kênh Al-Arabiya. 
Ảnh:  Getty Images
 
Tuy nhiên, vụ đột kích bí mật này đã gây rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pakistan. Đến tháng 11-2011, sự cố không kích lầm xuyên biên giới giết chết 24 binh sĩ Pakistan của NATO càng đẩy Mỹ và Pakistan xa nhau. Hiện các bộ tộc ở Pakistan đang kêu gọi chính phủ chấm dứt quan hệ đồng minh với Mỹ.
 
4. Cuộc chiến Libya và cái chết của ông Muammar Gaddafi
 
Trong các cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả Rập, sửng sốt nhất chính là cái chết của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi sau 42 năm cầm quyền như một cái kết thảm khốc cho cuộc chiến Libya.
 
img
Cái chết bi thảm của ông Gaddafi kết thúc cuộc lật đổ chính quyền ở Libya
 
Từ ngày 19-3 đến ngày 31-10, NATO đã tiến hành chiến dịch không kích Libya dưới danh nghĩa thực thi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc sau nhiều tháng bạo lực kéo dài. Được sự hậu thuẫn của NATO, Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC) đối lập đã chiếm được thủ đô Tripoli cuối tháng 8-2011.
 
Ngày 20-10, ông Gaddafi bị bắt và bắn chết khi đang trên đường tháo chạy khỏi quê nhà Sirte. Một tháng sau, “kẻ kế vị” Saif al-Islam Gaddafi cũng sa lưới NTC, cuộc lật đổ chính quyền xem như kết thúc. Libya bước vào công cuộc tái thiết dưới sự điều hành của chính phủ mới nhưng luôn phải đối mặt với nguy cơ sa vào chiến sự do sự tồn tại của nhiều nhóm vũ trang.
 
5. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời
 
Ngày 19-12, Triều Tiên đột ngột tuyên bố nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã qua đời ngày 17-12, thọ 69 tuổi. Ban lãnh đạo Triều Tiên đã kêu gọi nhân dân tiếp tục trung thành với sự lãnh đạo của Đại tướng Kim Jong-un, con trai út của ông Kim Jong-il.
 
img
Ảnh chụp từ đài truyền hình KCTV cho thấy ông Kim Jong-il nằm trong quan tài kính (Ảnh: REUTERS)
 
Tuy nhiên, với tuổi đời và kinh nghiệm chính trường còn non trẻ của tân lãnh đạo này, dư luận thế giới băn khoăn không rõ Triều Tiên sẽ chọn con đường như thế nào trong tương lai, đặc biệt là về chương trình hạt nhân.
 
6. Trung Quốc gia tăng tranh chấp trên biển
 
Năm 2011 ghi nhận Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trên các vùng biển. Ở Biển Đông xảy ra nhiều va chạm giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines. Sau nhiều nỗ lực ngoại giao, đến tháng 11-2011, ASEAN và Trung Quốc nhất trí thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
 
img
Hàn Quốc tuyên bố sẽ mạnh tay với tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
 
Còn trên biển Hoa Đông, tàu Trung Quốc nhiều lần xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và bị Nhật Bản bắt giữ ít nhất 3 lần.
 
Gây căng thẳng nhất là vụ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đâm chết cảnh sát biển Hàn Quốc ngày 12-12 vừa qua trên biển Hoàng Hải. Sự kiện trên khiến Hàn Quốc quyết định xử lý mạnh tay hơn đối với các trường hợp đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển nước này.
 
7. Hoán đổi quyền lực Putin – Medvedev
 
Cuối tháng 9-2011, Thủ tướng Nga Vladimir Putin tuyên bố tranh cử tổng thống vào năm 2012, chứng thực một cuộc hoán đổi quyền lực với Tổng thống Dmitri Medvedev và kéo theo nhiều hệ lụy.
 
img
Nước Nga đang theo dõi một cuộc đổi ngôi trên chính trường giữa ông Putin và Medvedev. Ảnh: Getty Images
 
Đầu tiên là sự ra đi của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin do mâu thuẫn quan điểm với ông Medvedev.
 
Tiếp theo, tại cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga ngày 4-12, tuy chiến thắng nhưng Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền bị cáo buộc gian lận phiếu dẫn đến các cuộc biểu tình yêu cầu bầu cử lại. Khẩu hiệu “Nước Nga không Putin” trên đường phố nhắn gửi đến thủ tướng Nga một viễn cảnh khó khăn hơn trong cuộc bầu tử tổng thống tháng 3-2012.
 
8. Khủng hoảng nợ công châu Âu
 
Bắt đầu từ những nước "ngoại biên" như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, cuộc khủng hoảng nợ công cuối cùng đã lan sang các nền kinh tế lớn của châu Âu như Pháp và Đức.
 
img
 Đồng euro trước nguy cơ thất bại. Ảnh: REUTERS
 
Không chỉ đe dọa sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu, cuộc khủng hoảng còn làm chao đảo chính trường nhiều nước, mà điển hình là sự ra đi liên tiếp của Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou và Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi vào đầu tháng 11-2011.
 
Hai tuần trước khi năm 2011 kết thúc lại rộ lên tin đồn Pháp sắp bị Standard&Poor's đánh tụt hạng tín nhiệm, gây lo ngại ảnh hưởng sẽ còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng 2008-2009.
 
9. Thái Lan có nữ thủ tướng đầu tiên
 
Bà Yingluck Shinawatra đã ghi tên mình thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan sau thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử tháng 7-2011. Một trong những trở ngại lớn nhất mà tân nữ thủ tướng phải đương đầu chính là người anh trai, cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, nhất là tin đồn ông Thaksin được ân xá dịp sinh nhật Quốc vương Thái ngày 5-12 vừa qua.
 
img
Bà Yingluck trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Ảnh: Reuters
 
Ngoài “nhân tai”, bà Yingluck còn bị thiên tai thử sức bằng trận lũ lụt kinh hoàng nhất nửa thế kỷ qua tại Thái Lan, kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11-2011. Tuy hiện nay lũ lụt đã tạm lắng nhưng Thủ tướng Yingluck và chính phủ của bà đang bị kiện vì xử lý lũ lụt yếu kém, gây hậu quả nghiêm trọng.
 
10. Kết thúc cuộc chiến Iraq
 
Ngày 14-12, Tổng thống Barack Obama chính thức tuyên bố kết thúc cuộc chiến kéo dài gần 9 năm của Mỹ tại Iraq dưới danh nghĩa chống khủng bố.
 
img
Tổng thống Obama đọc diễn văn kết thúc cuộc chiến Iraq ngày 14-12. Ảnh: Getty Images
 
Đây là một chiến dịch quân sự mà nước Mỹ phải trả giá đắt với gần 4.500 binh sĩ thiệt mạng, hơn 30.000 binh sĩ bị thương và tiêu tốn gần 800 tỉ USD. Trong khi đó, 100.000 dân thường Iraq thiệt mạng, hơn 1,7 triệu người mất nhà cửa và quốc gia giàu dầu mỏ thành một vùng đất chìm trong bạo lực, khủng bố.
 
Ngay sau khi Mỹ rút quân, Iraq nhanh chóng chìm vào khủng hoảng chính trị với lệnh truy nã bất ngờ dành cho Phó Tổng thống Tariq al-Hashemi ngày 19-12. Dù ra sức kêu gọi các bên ở Iraq ngồi lại giải quyết khủng hoảng nhưng Mỹ tỏ rõ sẽ không đưa quân lại đây.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo