xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mùa phim Việt cuối năm: Nhạt và nhảm

TIỂU QUYÊN

Mở màn cho mùa phim Việt cuối năm là những bộ phim có nội dung nhảm nhí, nhạt nhòa không xứng tầm một tác phẩm điện ảnh

Hoán đổi thân xác, Cột mốc 23 và Tối nay, 8 giờ ! - ba bộ phim “khai tiệc” màn ảnh rộng cuối năm đã không đủ sức để lại dấu ấn gì đặc biệt. Hài chưa đủ duyên, kinh dị không ra kinh dị, ngây ngô, dễ dãi là những cảm nhận chung của số đông khán giả dành cho những bộ phim này.

Không xứng để gọi điện ảnh

Mỗi phim một cách kể chuyện khác nhau nhưng có chung dấu ấn nhảm và nhạt. Không ra mắt báo chí, theo lời của đơn vị phát hành VinaCinema là do phim được cấp phép quá cận ngày công chiếu (23-12), Hoán đổi thân xác (kịch bản và đạo diễn: Nhất Trung) âm thầm ra rạp và cũng khá lặng lẽ trên các phương tiện truyền thông nhưng trên mạng xã hội thì không thiếu những lời chê bai của khán giả đã “trót” mua vé vào xem bộ phim khá nhảm này.
img
Huy Khánh trong phim Cột mốc 23. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp

Sự có mặt của hai danh hài Hoài Linh, Chí Tài không cứu nổi một câu chuyện kém duyên. Xót cho Chí Tài với phân đoạn diễn xuất quá cực nhọc khi nhân vật hóa thành con chó, phải chạy băng băng trên đường khuya. Tiếc cho Hoài Linh không đủ cơ hội để thu hút khán giả bằng nét duyên hài vốn có của anh. Dù được dán mác là “phim giả tưởng đầu tiên của Việt Nam” nhưng Hoán đổi thân xác không khác mấy những tiểu phẩm hài với các chiêu trò chọc cười dễ dãi. Gọi đây là phim điện ảnh thì thật xót.

Bất luận nhà sản xuất tuyên bố đã làm phim với tâm huyết gì gì đi nữa, khán giả vẫn có quyền quay lưng với những gì đã thể hiện trên màn ảnh. Suất chiếu chiều 27-12 tại rạp Thăng Long chỉ lác đác vài người và hầu hết bỏ về trước khi phim kết thúc. Không phải phim quá buồn tẻ mà ngược lại luôn bị khuấy động bởi những tình huống hài quá lố, những nhân vật đồng tính được khai thác kệch cỡm, chọc cười bằng hình thể, lời thoại lên gân, chát chúa đến mức có khán giả nói rằng nếu phim phát sóng trên màn ảnh nhỏ thì sẽ bị chuyển kênh vì những kiểu cười khó chấp nhận.

Không nhảm như Hoán đổi thân xác nhưng phim Cột mốc 23 của đạo diễn Nguyễn Quốc Duy lại là những mảnh ghép rời rạc. Các nhân vật “rơi xuống” màn ảnh rộng, ai cũng có phần chen chân vào khung hình nhưng không có nhân vật nào có dấu ấn. Hài không ra hài, kinh dị nửa vời và tình huống tạo dựng cũng ngây ngô kiểu “dọa” trẻ con. Cột mốc 23 cũng gây cười nhưng ở góc độ cười để mà cười chứ không phải là sự thú vị với câu chuyện. Thêm vào đó, “bài ca thịt chó” phản cảm vốn từng bị dư luận lên án vẫn xuất hiện trên phim – dù có lược bỏ phân đoạn này thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến nội dung phim.

Sẽ rất mệt mỏi nếu như phải nhặt sạn trong hai bộ phim kể trên, nhưng ngay cả khi chấp nhận những tình tiết vô lý đến khó tin và những sự tình cờ khiên cưỡng mà điện ảnh có quyền khai thác thì cả hai phim cũng không để lại chút ấn tượng đẹp nào với người xem.

Riêng bộ phim Tối nay, 8 giờ ! – dù đã được “bao phủ” bằng bối cảnh hào nhoáng, xa hoa nhưng cũng không thể đưa tên tuổi đạo diễn Lê Hoàng trở lại thời Gái nhảy vàng son. Câu chuyện trong mơ với những tình huống cực kỳ khó tin và một kết thúc “lãng mạn lộng lẫy” - theo cách nói của đạo diễn là “câu chuyện cổ tích trong sáng, sạch sẽ dành cho tuổi teen” – có thể phù hợp với không khí Giáng sinh, nhưng khán giả vẫn có lý khi nhận xét rằng “không xứng tầm Lê Hoàng”.

Vượt ra khỏi vai trò đạo diễn, Lê Hoàng vẫn luôn là cái tên ấn tượng với công chúng ở sự dí dỏm và sắc sảo. Thế nhưng Tối nay, 8 giờ ! cũng chỉ có thể là “bước tiến mới” của đạo diễn cùng hai gương mặt trẻ Miu Lê và Đỗ Tùng Lâm từ sau phim Những thiên thần áo trắng.

Sự “chuyển mình” đáng sợ

Không phủ nhận khán giả cũng góp phần làm nên “thị hiếu số đông”, thích xem phim hài, giải trí nhẹ nhàng nhưng cũng không thể vin vào đó mà làm phim nhảm, nhạt và dễ dãi. Không cứng nhắc quá mức để đòi hỏi phim nào cũng phải có thông điệp, nhưng ít ra nó cũng được xem như là một tác phẩm điện ảnh chứ không thể như tiểu phẩm vụng được trải trên màn ảnh rộng. Nhiều năm qua vẫn có được những phim không phải “nghệ thuật, đỉnh cao” nhưng đã để lại ấn tượng đẹp như Nụ hôn thần chết, Để Mai tính, Sài Gòn Yo!, Chuyện tình xa xứ…, đâu phải chỉ hài với “sao”; sốc, hot với “boy, girl” mới thu hút được số đông khán giả?

Lượng phim ra rạp càng lúc càng rải đều trong cả năm, trong nỗ lực thử nghiệm và tìm tòi, sáng tạo cũng là một bước tiến cho điện ảnh Việt. Thế nhưng, sự phát triển ấy lại dắt dây thêm yếu tố dễ dãi đến mức, ai cũng có thể đầu tư sản xuất và cái gì cứ mang ra bày biện trên màn ảnh rộng thì gọi đó là phim điện ảnh.

Kỳ vọng phim Tết?

Chưa có năm nào mùa Tết lại có nhiều phim ra rạp với đủ thể loại như năm nay. Vượt qua thói quen phim hài dịp Tết thường thấy, năm nay, sự có mặt của bộ phim lịch sử Thiên mệnh anh hùng là một nỗ lực liều lĩnh của nhà sản xuất. Có thể nói rằng bộ phim hành động võ thuật này đang được đặt nhiều kỳ vọng với sự trở lại của đạo diễn Victor Vũ – một người đã tạo được dấu ấn với nhiều phim trước đó. “Uy tín Bùi Thạc Chuyên” cũng hứa hẹn bộ phim kinh dị Lời nguyền huyết ngãi không quá nhạt nhòa. Yếu tố lạ (nghệ thuật múa bụng) được khai thác trong bộ phim không được quảng bá rầm rộ Vũ điệu đường cong của đạo diễn Vũ Trọng Khoa có thể chứa đựng không ít bất ngờ. Và sự góp mặt của hai phim hài Hello Cô Ba và Lệ phí tình yêu cũng là một sự cân bằng cho sự lựa chọn của số đông khán giả. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo