Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm GTVL Hà Nội giải thích nguyên nhân của tình trạng này là do khủng hoảng kinh tế đã tác động đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất và gia công hàng xuất khẩu. Thị trường bị thu hẹp dẫn đến số lượng đơn hàng giảm buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.
Theo ông Chính, càng gần đến thời điểm cuối năm, số lao động thất nghiệp càng tăng. Thực tế, lao động đến đăng ký thất nghiệp rải rác từ quý III nhưng đã tăng đột biến từ tháng 10. Với tình hình này, dự báo trong năm tới số lao động thất nghiệp còn tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất không còn phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành cũng là lý do khiến nhiều lao động của Hà Nội phải thôi việc, bỏ việc bởi không có điều kiện theo doanh nghiệp đến địa điểm mới. Chẳng hạn như Công ty Dệt 8-3 khi di dời đầu năm nay đã có hơn 1.000 lao động đến đăng ký trợ cấp thất nghiệp, Công ty Hanosimex khoảng 2.300 lao động, Công ty Cơ khí Hà Nội khoảng 300 lao động…
Đáng chú ý, bên cạnh các đối tượng lao động phổ thông còn có khoảng 10% lao động trình độ cao, thậm chí có cả người nắm các vị trí quản lý như giám đốc điều hành, trưởng dự án… cũng đăng ký để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số lao động này thường làm ở các dự án, tổ chức nước ngoài, tiền lương rất cao. Khi dự án kết thúc, họ bị mất việc và không tìm được việc làm mới nên đăng ký thất nghiệp. Với đối tượng này, mức trợ cấp thất nghiệp rất cao, thường ở mức "đội khung".
Bình luận (0)