xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thuế môi trường: Dân đóng!

Bài và ảnh: Thu Sương

Luật Thuế Bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2012 nhưng các văn bản dưới luật, hướng dẫn thực hiện vẫn rối như tơ vò

img
Các loại túi mới có thân thiện với môi trường hơn túi ni lông bình thường? Câu hỏi chưa có lời đáp.
Căng thẳng nhất có lẽ là những doanh nghiệp sản xuất bao bì, bởi đây là nhóm mặt hàng tiêu thụ khá lớn và bị đánh thuế nặng nhất, từ 170% - 200%. Chính vì vậy, khi mới manh nha xuất hiện dự thảo luật, nhiều doanh nghiệp đã tìm hướng phát triển các loại túi thân thiện với môi trường như túi vải không dệt, túi tự hủy… tuy nhiên hiện chưa một cơ quan chức năng nào dám công nhận tính thân thiện với môi trường của các sản phẩm này.

Ngồi trên lửa

Công ty Cổ phần Bao bì Vafaco (Công ty Vafaco)  là một trong những đơn vị sản xuất sớm và phân bố rộng rãi loại túi nhựa phân hủy sinh học. Ông Nguyễn Phước Đông, Giám đốc Công ty Vafaco, cho biết loại túi này sử dụng phụ gia Reverte nên có khả năng phân hủy sinh học. Năm 2008, Vafaco đã gửi mẫu đến Tập đoàn Wells Plastic Limited (tập đoàn hóa chất lớn của Anh Quốc), đến năm 2010 thì nhận được giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của tập đoàn này. Vafaco đã đưa loại túi này vào sử dụng trong  hơn 50 siêu thị, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM và đang đàm phán để đưa sản phẩm này vào nhiều hệ thống siêu thị lớn khác. Tuy nhiên, ông Đông thừa nhận túi nhựa phân hủy sinh học chưa được công nhận chất lượng bởi bất kỳ cơ quan chức năng nào của Việt Nam. Vì vậy, khi thực hiện Luật Thuế Bảo vệ môi trường, sản phẩm mà Vafaco “dày công nghiên cứu” cũng phải chịu mức thuế chung như các loại túi ni lông khác: 40.000 đồng/kg.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì hiện nay. Bởi theo quy định, chỉ có loại túi đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên - Môi trường mới được miễn thuế bảo vệ môi trường. Dẫu vậy, thế nào là thân thiện với môi trường, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới cũng chưa thể định lượng nên Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng chưa thể đưa ra quy định cụ thể.  Một số nước trên thế giới chấp nhận và công bố tiêu chí cho các loại túi tự hủy. Theo TS Lê Văn Khoa (ĐH Bách khoa TPHCM),  các tiêu chí này có thể áp dụng vào Việt Nam nhưng cũng khó lòng cho các doanh nghiệp thực hiện vì trong nước chưa có bất kỳ trung tâm nào có thể phân tích, đánh giá khả năng phân hủy sinh học của các loại bao bì, còn nếu đưa sản phẩm ra các trung tâm nước ngoài phân tích sẽ tốn rất nhiều thời gian (1-2 năm mới có kết quả) và chi phí.

Ai phải móc hầu bao?

Không chỉ có túi thân thiện với môi trường, xăng sinh học (E5, E10) được các đơn vị kinh doanh xăng dầu đưa ra thị trường như một giải pháp thân thiện với môi trường thay thế xăng có nguồn gốc hóa thạch. Tuy nhiên, ngoài các quy định chung về chất lượng sản phẩm hàng hóa xăng dầu, loại nhiên liệu này cũng chưa được chứng nhận pháp quy về tính thân thiện môi trường. Ngược lại, nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo việc sản xuất loại xăng này sẽ tác động lớn  đến an ninh lương thực. Mặt khác, sau hàng loạt vụ cháy nổ phương tiện giao thông thời gian gần đây đã xuất hiện  nhiều luồng ý kiến cho rằng việc sử dụng xăng sinh học nhưng không chú ý đến sự tương thích của động cơ cũng là một trong những nguyên nhân. Điều này dẫn đến sự lo ngại cho những người đã- sẽ sử dụng xăng sinh học.

Luật Thuế Bảo vệ môi trường xây dựng trên nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả tiền và câu trả lời rõ ràng là người tiêu dùng. Khi dòng sản phẩm này bị đánh thuế cao, người tiêu dùng sẽ sử dụng tiết kiệm hoặc lựa chọn  các dòng sản phẩm  khác, khi đó sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất nghiên cứu để hạn chế sử dụng các nguyên liệu hóa thạch, gây hại cho môi trường. Đó là mục tiêu của luật. Danh mục 8 nhóm hàng hóa chịu thuế môi trường đều thuộc loại thiết yếu với người dân, nhất là những người lao động nên sẽ tác động lớn đến ý thức và hành vi tiêu thụ của người dân. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay các nhóm hàng hóa này vẫn chưa có những dòng sản phẩm thay thế thực sự. Như vậy, người dân đang gây ô nhiễm và trả tiền một cách bắt buộc mà không có sự lựa chọn nào khác.

8 nhóm mặt hàng phải chịu thuế môi trường

1- Xăng, dầu, mỡ nhờn (gồm xăng, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu ma dút, dầu nhờn, mỡ nhờn): Từ 300 - 4.000 đồng/lít.

2- Than đá (than nâu, than an-tra-xít, than mỡ…): Từ 10.000 - 50.000 đồng/tấn.

3- Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon: Từ 1.000 - 5.000 đồng/kg.

4- Túi ni lông thuộc diện chịu thuế: Từ 30.000 - 50.000 đồng/kg.

5- Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng: Từ 500 - 2.000 đồng/kg.

6- Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng: Từ 1.000 - 3.000 đồng/kg.

7- Thuốc bảo quản lâm sản hạn chế sử dụng: Từ 1.000 - 3.000 đồng/kg.

8- Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng: Từ 1.000 - 3.000 đồng/kg.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo