Taliban không phải là tổ chức duy nhất dùng trang mạng xã hội Twitter hiện có đến 100 triệu người sử dụng như một kênh tuyên truyền và “đấu võ mồm” với Mỹ - NATO ở Afghanistan. Chi nhánh Al-Qaeda ở Yemen cũng có mặt và mới đây nhất là Al-Shabab. Điều này cho thấy các tổ chức Hồi giáo cực đoan đang điều chỉnh chiến thuật: Chấp nhận chiến đấu trên cả hai mặt trận thực và ảo mà Twitter là một xu hướng tất yếu.
Luật lệ hà khắc
Ngày 7-12-2011, Al-Shabab, một tổ chức Hồi giáo tự nhận là tập hợp các đệ tử trung thành với Al-Qaeda chống chính quyền Somalia được quốc tế công nhận, cũng bắt đầu mở @HSMPress Somalia, tài khoản của Văn phòng Báo chí thuộc tổ chức Harakat Al-Shabab Al- Mujahideen tức Phong trào Chiến binh Thần thánh trẻ.
Mỗi ngày, tài khoản này gửi đi hơn 20 thông điệp tường thuật ngắn gọn với 140 từ hoặc ít hơn về những trận chiến với lực lượng gìn giữ hòa bình Kenya, Ethiopia thuộc Liên hiệp châu Phi và trêu chọc Kenya sau khi nước này đưa quân vào Somalia hồi tháng 10 năm ngoái để đánh đuổi Al-Shabab ra khỏi vùng biên giới hai nước.
Hầu hết các tweet (thông điệp) viết bằng tiếng Anh chứ không phải bằng tiếng Somalia cho thấy ý đồ của Al-Shabab nhắm vào độc giả rộng rãi ngoài Somalia. Theo tờ International Business Times và The New York Times (NYT), nếu ban đầu, hằng ngày chỉ có hơn 700 người đọc @HSMPress Somalia thì sau 12 ngày, con số này đã lên đến 4.600 người.
Mùa hè rồi, Al-Shabab còn cướp bóc hàng viện trợ của 16 tổ chức nhân đạo quốc tế trong lúc nạn đói hoành hành ở miền Nam Somalia, một thảm họa được coi là nghiêm trọng nhất trong 60 năm qua. Họ thường xuyên bắn pháo vào thường dân và thề “không đội trời chung” với các nước phương Tây.
Đồng thời Al-Shabab cũng tỏ ra thành thạo và nắm bắt những công nghệ thông tin mới nhất để tăng cường tuyên truyền “chính nghĩa Hồi giáo” thông qua thư điện tử (e-mail), video clip, chatroom điện tử, các trang web xã hội và chia sẻ thông tin từ Facebook, Myspace, YouTube đến Twitter.
Nhạc Al-Shabab “rất nguy hiểm”
Quản trị mạng Facebook đã xóa trang chính thức của Al-Shabab hồi đầu năm 2011 nhưng các đệ tử của Al-Shabab vẫn tiếp tục dùng trang cá nhân của mình để chia sẻ tin tức và thông tin của Al-Shabab. Twitter là vũ khí mới nhất của tổ chức bán quân sự này trong thế giới ảo.
Theo các chuyên gia chống khủng bố Mỹ, mục tiêu chủ yếu của Al-Shabab khi mở tài khoản trên Twitter là chiêu dụ người mới. Tài khoản @HSMPress Somalia của Al-Shabab luôn luôn kết nối với YouTube, nơi Al-Shabab có những video clip tuyên truyền thánh chiến có đẳng cấp cao.
Al-Shabab khoe tân binh người nước ngoài trong một video clip trên YouTube. Ảnh: AP
Ngoài ca nhạc, các video clip của Al-Shabab còn giới thiệu hàng loạt tân binh trùm mặt (để khỏi bị nhận diện) nói tiếng Anh, Swahili (ngôn ngữ của người Tanzania, Kenya và Congo), Thụy Điển và Urdu (Pakistan). Một người tự xưng là Abu Dujana (một bí danh) nói anh là người Anh nói giọng London.
Đe dọa an ninh - kinh tế Mỹ
Sức lan tỏa ảnh hưởng của Al-Shabab qua internet, trong đó có Twitter, là một thực tế. Đã có những trường hợp cụ thể phản ánh trên báo chí Anh, Mỹ. Tờ The Independent xuất bản tại London cho biết đầu tháng 10 năm ngoái, 2 thanh niên người Anh gốc Somalia và Pakistan 18 tuổi, quê ở thành phố Cardiff, miền Nam Xứ Wales, bị bắt ở biên giới Somalia-Kenya về tội mưu toan gia nhập tổ chức khủng bố Al-Shabab.
Ông Abdirhman Haji Abdullah, cha của cậu thanh niên gốc Somalia, chia sẻ trên đài BBC: “Con tôi đã bị dụ dỗ và tẩy não cho nên mới nghĩ rằng đến Somalia để tiến hành thánh chiến”. Chính ông đã báo chính quyền việc làm của con để cứu con.
Sự hấp dẫn của @HSMPress Somalia đối với công dân Mỹ gốc châu Phi và Ả Rập và một số thanh niên phương Tây có học đàng hoàng là mối quan tâm hàng đầu của Washington. NYT cho biết nhiều người “mắt xanh mũi lõ” làm việc hăng say cho Al-Shabab. Một số người Mỹ gốc Somalia thậm chí thực hiện những vụ đánh bom liều chết ở Somalia vì Al-Shabab, giết chết hàng trăm người. Người ta còn phát hiện một gã đàn ông Mỹ quê quán ở Alabama hiện đang chỉ huy quân Al-Shabab chiến đấu ra trò.
Bởi vậy không có gì khó hiểu khi từ năm 2008, Bộ Ngoại giao Mỹ liệt Al-Shabab vào danh sách khủng bố quốc tế cần tiêu diệt với lý do “đe dọa công dân và an ninh kinh tế nước cờ hoa”.
Kỳ tới: Cấm được không ?
Bình luận (0)