Thực ra không cần cao siêu gì mà chỉ bằng mắt thường cũng đã thấy 6 công trình (gồm: mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, dự án cầu Thanh Trì - Vành đai 3 - Hà Nội, sửa chữa mặt cầu Thăng Long, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương và Quốc lộ 48-2) có “vấn đề” khi hư hỏng quá nhanh sau thời gian rất ngắn đưa vào sử dụng. Những vấn đề này càng được sáng tỏ hơn nhờ kết quả kiểm tra công bố ngày 4-1 của Bộ GTVT.
Các công trình bị “sờ gáy” trải dài từ Bắc chí Nam song sai phạm thì đủ cả, từ thiết kế, thi công đến tư vấn giám sát, lựa chọn cũng như chuyển giao công nghệ… Trong khi đó, các ban quản lý dự án lại lơ là, buông lơi trách nhiệm. Vì thế, chất lượng công trình càng thêm thấp.
Nay khi mà kết quả kiểm tra, đánh giá 6 công trình giao thông trọng điểm đã có thì dư luận lại nhìn vào hành động tiếp theo của vị “tư lệnh” lĩnh vực GTVT Đinh La Thăng. Chính Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký quyết định thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá 6 công trình giao thông trọng điểm sau khi đi thị sát và kiểm tra dự án đường cao tốc TPHCM-Trung Lương. Mục sở thị những hư hỏng không thể chấp nhận đối với một dự án trọng điểm như con đường cao tốc này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu tạm đình chỉ ngay chức vụ đối với trưởng ban quản lý dự án để làm rõ trách nhiệm.
Vẫn biết việc Bộ trưởng Đinh La Thăng “trảm” người đứng đầu Ban Quản lý dự án đường cao tốc TPHCM-Trung Lương hay trước đó là trưởng Ban Quản lý dự án sân bay quốc tế Đà Nẵng là nhằm răn đe những người chịu trách nhiệm đối với công trình giao thông chất lượng kém và chậm tiến độ trên cả nước. Song không phải vì thế mà không cần công bằng bởi thưởng-phạt công minh cũng là một cách thức để khuyến khích hay răn đe hữu hiệu. Hiệu quả và hiệu lực của những mệnh lệnh, yêu cầu của người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước sẽ suy giảm rất nhiều nếu thưởng - phạt không công minh.
Tất nhiên, mức độ sai phạm và trách nhiệm liên đới của những người chịu trách nhiệm trong 6 công trình giao thông vừa bị kiểm tra có khác nhau. Nhưng sai tới đâu thì phải làm rõ và xử lý đến đó. Đã “trảm” thì phải “trảm” cho công bằng, như thế người bị xử lý mới “tâm phục khẩu phục” và giữ nghiêm được kỷ cương.
Bình luận (0)