Trong “15 năm cô đơn với Bổ đề cơ bản”, ngoài thời gian dành cho nghiên cứu toán học, anh Ngô Bảo Châu có niềm vui thú riêng là đọc sách. Hãy nghe anh tâm sự đôi điều về thú vui ấy:
“Vì lý do công việc, tôi hay phải dọn nhà. Cứ mỗi lần lại phải mất một vài tháng thì ngôi nhà mới xa lạ mới trở nên thân thuộc. Tôi để ý thấy thời điểm mà sự thân thuộc tăng đột biến là thời điểm khi tôi lấy sách từ trong thùng mang xếp lên kệ. Lúc xếp sách lên kệ là lúc quá khứ của ta ùa vào không gian của hiện tại.
Tôi có rất nhiều sách. Có sách đã đọc kỹ, có sách đọc vài lần, có sách đọc một nửa, còn có quyển mới chỉ đọc vài trang. Nhưng mất quyển sách nào là tôi biết ngay. Và tôi rất ghét các bạn mượn sách mà quên trả, trong khi bản thân tôi thì cũng đôi khi giả vờ quên.
Những quyển sách cũ hình thù xộc xệch vì thời gian là những quyển mà tôi cảm thấy gắn bó nhất. Quyển này từng được vác sang Ấn Độ vào mùa mưa, trang giấy hút ẩm đến quăn queo, không bao giờ tìm lại được hình hài ban đầu. Quyển này vì để cả tháng trên bàn làm việc ở trên tầng bốn tràn đầy ánh nắng trong ngôi nhà của bố mẹ tôi ở Hà Nội nên bìa đã phai màu. Nhìn những quyển sách úa đi với thời gian cũng thân thương như thấy cha mẹ, người thân, bạn bè mỗi ngày một già.
Tôi không bao giờ viết hoặc bôi xanh bôi đỏ lên trang sách. Cũng như không bao giờ làm xấu bạn bè của mình.
Cuộc sống của mỗi người bị hạn chế trong không gian và trong thời gian. Mỗi người chỉ có thể sống một cuộc sống, tại mỗi thời điểm chỉ có thể có một vị trí. Trang sách chính là cửa sổ mở sang những cuộc đời khác, những thế giới khác. Và cũng là chỗ để ánh sáng mặt trời rọi vào cuộc đời mình.
Đọc sách không chỉ để thỏa mãn cái ham muốn hiểu biết về vũ trụ và về cuộc sống mà còn là cách để nuôi dưỡng sự ham muốn đó. Một câu hỏi được giải đáp sẽ mở ra hai câu hỏi mới cần được giải đáp và dắt tay ta đến những trang sách mới.
Mẹ GS Ngô Bảo Châu - PGS-TS dược học Trần Lưu Vân Hiền - kể: Bốn tuổi, Châu đã biết đọc báo, khiến bà rất ngạc nhiên. Từ nhỏ, Châu đã mê đọc sách, không chỉ xem những cuốn sách giải trí, nhẹ nhàng, tươi vui mà xem cả những cuốn rất khó lĩnh hội. Đó là “tứ đại kỳ thư” của văn học cổ điển Trung Hoa, tức bốn bộ sách nhiều tập: Tam Quốc chí diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký, Hồng lâu mộng. Ai đã đọc qua bốn bộ sách đồ sộ ấy đều cảm thấy thật không dễ hiểu chút nào, nhất là hai bộ Tam Quốc chí diễn nghĩa và Hồng lâu mộng.
Ngoài tiểu thuyết cổ - trung đại, Châu cũng đọc cả tiểu thuyết cận - hiện đại. Đọc một lần là nhớ cốt truyện và tính cách các nhân vật. Châu cũng thuộc nhiều thơ và biết làm thơ.
Bà Trần Lưu Vân Hiền cho biết:
“Nhiều lần, Châu đọc cho tôi nghe những bài thơ rất dài của các nhà thơ trong phong tràoThơ Mới, đọc thuộc lòng, không ấp úng. Nhưng Châu thuộc thơ Tố Hữu nhiều nhất. Châu mê thơ Quang Dũng. Đôi khi Châu còn đọc những câu thơ rất lạ, tôi chưa từng nghe bao giờ, về sau mới biết đó là... thơ Châu “sáng tác”! Châu bảo rằng nghĩ được điều gì thì chép ra điều đó, chứ không hẳn là thơ”.
Niềm ham mê văn học từ thời niên thiếu ấy, đến nay, anh Ngô Bảo Châu vẫn giữ. Những năm ở Pháp, anh có cơ hội đọc nhiều tác phẩm văn học phương Tây. Đối với anh, văn học Pháp rất cuốn hút nhưng anh yêu thích nhất là tiểu thuyết gia người Đức Thomas Mann (1875-1955) - Giải thưởng Nobel Văn học năm 1929.
Lấy đâu ra thời gian để đọc sách văn chương? Trả lời câu hỏi ấy, anh Châu cho biết: “Những lúc không làm toán thì tôi đọc sách văn học. Nói chung, văn học không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Ở nhà tôi, chưa kiểm kê nhưng tôi dám chắc sách toán không nhiều hơn sách văn đâu!”.
Đã có lúc anh đem văn và toán ra so sánh, như trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí: “Tôi đọc văn của ai thì tôi biết là của người đó, đọc một đoạn ngắn thì chưa biết nhưng đọc mười trang thì biết. Toán thì khó hơn bởi vì khi đạt đến mức hoàn hảo, nó không còn có tính cá nhân nữa, nó vô tính, nó trong sáng đến mức không biết là của ai nữa, mặc dù phong cách toán học là từ cách suy nghĩ khác nhau của mỗi người”.
Ông ngoại của anh là cụ Trần Lưu Hân, sinh năm 1922, vốn là học sinh Trường Bưởi trước Cách mạng Tháng Tám, cùng khóa với ông Cayson Phomvihan, nguyên Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông tòng quân, lên chiến khu Việt Bắc. Ngày giải phóng thủ đô, 10-10-1954, ông theo đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Hà Nội. Sau đó, ông theo học tại chức và tốt nghiệp kỹ sư vô tuyến điện. Lúc Châu sắp sang Pháp du học, chính ông đã dạy cho Châu một ít tiếng Pháp.
Ông ngoại mất năm 2000, khi Châu 28 tuổi, đang học ở Pháp. Trước đó, anh đã kịp về Hà Nội chăm sóc ông một tháng, cứ bốn ngày lại vào bệnh viện ở với ông một ngày nhưng khi ông mất, anh không về được. Anh gửi về nước một bức thư bày tỏ nỗi đau buồn của mình:
Mây thu đầu núi, gió lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ngừng ở ven trời nghe tiếng khóc
Tiếng đời xô động, tiếng lòng câm.
Bình luận (0)