xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những con tàu chìm bí ẩn

VĂN ANH

Trong lịch sử hàng hải thế giới đương đại từng có những vụ chìm tàu bí ẩn như chiếc Vinalines Queen khiến các nhà chuyên môn đau đầu

Chiếc tàu chở hàng khổng lồ lớn gấp 3 lần chiếc Titanic huyền thoại có tải trọng tổng cộng 169.000 tấn mang tên MV Derbyshire của Anh chìm cách đảo Okinawa - Nhật Bản 368 km ngày 10-9-1980 trong lúc có bão Orchid. Không ai có thể ngờ con tàu lớn nhất thế giới lúc bấy giờ có một kết thúc bi thảm và bí ẩn như vậy.

Không phát tín hiệu cấp cứu

Cơn bão được mô tả là rất mãnh liệt với sức gió 153 km/giờ, có những lúc tạo ra những con sóng cao đến 30 m. Thế nhưng, chiếc Derbyshire là một con tàu “không thể chìm”  theo thiết kế, dài 289 m và rộng 43,5 m, được cho là có khả năng chống chọi thời tiết khắc nghiệt nhất.
img
Tàu MV Derbyshire. Ảnh: Censsis
 
Trong thập niên 1980 có 17 tàu hàng cỡ lớn bị chìm nhưng vụ chìm tàu MV Derbyshire kỳ lạ và khó hiểu nhất bởi các yếu tố: Nó mới hạ thủy trước đó 4 năm. 42 thuyền viên trên tàu là dân đi biển bậc thầy, rất dày dạn kinh nghiệm. Nó được đóng tại Swan Hunter, một hãng đóng tàu có uy tín ở nước Anh.
 
Hơn nữa, nó là chiếc cuối cùng trong số 6 chiếc tàu chở hàng loại OBO (chở dầu mỏ, khoáng sản và hàng hóa rời đều được), chắc chắn được kế thừa những ưu điểm tốt nhất của các chiếc tàu được đóng trước đó. Nó được Lloyds Register, công ty xếp hạng tàu hàng uy tín nhất ở Anh, xếp loại A1.
 
Dấu hiệu cuối cùng báo hiệu cái chết đột ngột của chiếc Derbyshire là không có tín hiệu cấp cứu được phát đi khi con tàu bị chìm, y hệt như trường hợp của chiếc Vinalines Queen.
 
Điều này rất lạ bởi nó được trang bị hệ thống báo động điện tử tiên tiến nhất. Chỉ có một thảm họa thật khủng khiếp và quá nhanh mới ngăn cản được thuyền trưởng, sĩ quan boong và các thuyền viên làm động tác hết sức đơn giản là nhấn nút “cấp cứu”.

Bởi vậy mãi đến 3 ngày sau, Công ty Bibby Brothers, chủ chiếc tàu, mới có phản ứng đầu tiên là yêu cầu MSA (Cơ quan An ninh Hàng hải Nhật) tìm kiếm tàu. MSA trả lời rằng chỉ có thể khởi sự từ ngày 15-9 -  ngày dự kiến chiếc Derbyshire cặp cảng Kawasaki – do thời tiết quá xấu.

Hôm đó, một trong 2 chiếc máy bay trinh sát Nhật  phát hiện một vết dầu loang dài 2 km, rộng 1 km cách nơi tàu chìm 40 km. Cuộc tìm kiếm thuyền viên kéo dài đến ngày 20 thì chấm dứt vì không tìm thấy gì khác. Hy vọng tìm thấy xác 42 thuyền viên và 2 bà vợ của thuyền viên đi quá giang đã bị dập tắt.
 
Sáu tuần sau, ngư dân phát hiện một thuyền cứu sinh nhưng không có người. Dường như nó bị vứt ra khỏi cáp treo bởi một lực rất mạnh. Chứng tỏ con tàu chìm rất nhanh.

20 năm sau mới tìm ra nguyên nhân

Tàu chìm bí ẩn, công tác điều tra nguyên nhân làm chìm tàu cũng ly kỳ không kém. Tai nạn xảy ra vào tháng 9-1980 nhưng mãi đến 1 giờ 23 phút ngày 3-6-1994, chuyên gia săn xác tàu chìm Mỹ David Mearns thuộc Công ty Oceaneering Technologies  mới tìm thấy các mảnh vụn của xác tàu ở độ sâu 4.210 m sau 8 ngày dò tìm vất vả theo hợp đồng thuê mướn của Liên đoàn Lao động Vận tải Quốc tế.

Trước đó, do không có bằng chứng cho thấy tàu chìm do lỗi kết cấu tàu, Chính phủ Anh từ chối mở cuộc điều tra chính thức. Giả thuyết ban đầu là do cơn bão quá mạnh, sóng quá to đánh úp chiếc Derbyshire. Giả thuyết thứ hai là do lỗi tắc trách của con người, điều mà Hội Gia đình thuyền viên Derbyshire (DFA) cực lực bác bỏ.

Lỗi cấu trúc tàu chỉ bắt đầu được lưu ý khi 18 tháng sau vụ chìm tàu Derbyshire, chiếc MV Tyne Bridge (“anh” của MV Derbyshire) bị đứt gãy ở khung sườn thứ 65 rồi lan ra khắp boong tàu, buộc tàu đang đi giữa đường phải trở về ụ Derbyshire để sửa chữa. Năm 1986, thêm chiếc MV Kowloon Bridge, cùng loại với MV Derbyshire, cũng gặp sự cố tương tự. DFA gây quỹ thuê công ty giám định khảo sát khung sườn thứ 65 ở các tàu cùng loại của Anh.

Cuộc khảo sát dẫn đến một số cuộc điều tra sâu để đi tới kết luận rằng khung sườn thứ 65 của tất cả các tàu đời Derbyshire đều có độ giòn không hợp chuẩn. Gặp sóng biển mạnh, nó dễ gãy làm sụp nắp hầm. Nước tràn vào khiến tàu chìm rất nhanh. Đây là lỗi thiết kế kỹ thuật.

Phát hiện trên buộc chính phủ phải mở cuộc điều tra chính thức từ ngày 2-4-2000. Kết quả điều tra cho thấy tàu chìm do lỗi kết cấu tàu, các thuyền viên không có lỗi. Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) được khuyến nghị bổ sung những quy định mới về thiết kế kết cấu cho những con tàu dài trên 150 m.
 
img
Các thành viên trong Hội Gia đình thuyền viên Derbyshire. Ảnh: L.M

“Sóng lạ”

Năm 2001, giáo sư Douglas Faulkner cùng những cộng sự thuộc Khoa Thiết kế và Công nghệ biển của Trường Đại học Glasgow công bố một công trình khoa học liên quan đến vụ chìm tàu MV Derbyshire. Ông phân tích cơ chế của những con “sóng lạ” đồng thời chứng minh rằng nó chính là sát thủ bí ẩn gây ra vụ chìm tàu MV Derbyshire.

Trước đây, dân đi biển từng mô tả sự quỷ quái của những con “sóng lạ” này nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Anh chứng minh được cơ chế và sức mạnh khủng khiếp của nó.

Bão Orchid có những con “sóng lạ” dài bằng chiều dài con tàu tạo ra một lực quá lớn đối với tàu MV Derbyshire. Cộng với điểm yếu là khung sườn tàu thứ 65 có độ giòn không hợp chuẩn, con sóng đã phá bung nóc hầm, nước tràn vào rất nhanh dẫn tới thảm họa nói trên.

Kỳ tới: Bí mật bao trùm tàu FV Gaul

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo