Trước nay Điện Kremlin vẫn luôn phản đối các biện pháp trừng phạt Iran của phương Tây, nhưng bây giờ buộc phải “lấy làm tiếc và lo ngại khi biết tin Iran bắt đầu làm giàu uranium cấp độ 20% tại cơ sở Fordow”, theo tuyên bố ngày 10-1 của Bộ Ngoại giao Nga.
Trong khi đó, Liên minh Châu Âu (EU) đang chuẩn bị cho cuộc họp cấp ngoại trưởng ngày 23-1 bàn về việc cấm vận dầu, qua đó tối đa hóa các áp lực kinh tế lên phía Iran.
Hiện nay, mỗi ngày EU mua tổng cộng khoảng 450.000 thùng dầu của Iran. Các khách hàng lớn của Iran tại châu Âu như Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha có thể sẽ tìm cách trì hoãn lệnh cấm vận trên cho đến khi họ tìm được nguồn cung ứng mới.
Theo các nguồn tin ngoại giao, trong khi Anh, Pháp, Đức muốn ấn định khoảng thời gian chuyển tiếp để tìm nguồn cung cấp dầu mới là 3 tháng thì Hy Lạp có thể sẽ đề nghị đến một năm. Vì thế, thời gian thỏa hiệp có thể từ 6 – 9 tháng và đây cũng là cơ hội để Iran quay lại bàn đàm phán.
Tổng thống Iran thăm cơ sở hạt nhân Natanz năm 2008. Ảnh tư liệu: newscom
Trong khi Nga đã lên tiếng “lo ngại” thì Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu mỏ chính của Iran, vừa công khai bác bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành năng lượng Iran bất chấp chuyến “du thuyết” của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner ngày 10-1.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố vấn đề hạt nhân của Iran không thể được giải quyết hoàn toàn bằng các biện pháp trừng phạt. Còn tờ Thời báo Hoàn cầu viết: “Trung Quốc sẽ tiếp tục giao dịch với Iran bất chấp áp lực của Mỹ và EU. Nếu các công ty Trung Quốc bị ảnh hưởng do lệnh trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả”.
Theo lệnh trừng phạt mới của Mỹ, bất cứ ngân hàng nước ngoài nào có tài khoản tại Ngân hàng Trung ương Iran hoặc chuyển khoản thanh toán nhập khẩu dầu mỏ qua ngân hàng này sẽ không được phép giao dịch với hệ thống tài chính Mỹ.
Rõ ràng, biện pháp này có thể gây hại nghiêm trọng cho Trung Quốc, nước đang quan hệ với ngân hàng Trung ương Iran, bao gồm cả thanh khoản nhập khẩu dầu mỏ. Tình hình có thể bùng nổ và gây khó khăn về nguồn cung dầu mỏ cho Trung Quốc.
Việc Bắc Kinh phản ứng gay gắt trước biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran không chỉ từ phương diện kinh tế, mà còn vì những cân nhắc chiến lược.
Giới chuyên gia nhận định đây là nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông. Mới đây, Bắc Kinh tuyên bố “không chấp nhận” sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á và dĩ nhiên sẽ tìm cách thu hẹp ảnh hưởng của Mỹ ở vùng vịnh Persian.
Bình luận (0)