xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ án Tân Hoàng Phát: Bất thường bản án phúc thẩm

Bài và ảnh: Huỳnh Hiếu

So với những gì được tuyên công khai tại phiên tòa ngày 12-12-2011, bản án phúc thẩm số 150/2011/HSPT mới đây của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM xuất hiện nhiều chi tiết mới, không giống với nội dung đã tuyên

Vấn đề dư luận đặt ra là vì sao lại có việc tuyên một đằng, viết bản án một nẻo như vậy?

Cần nhắc lại, trước đó, ngày 19-12-2011, Viện trưởng Viện Phúc thẩm 3 - TS Lê Thành Dương - đã quyết định đề nghị báo cáo Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Tân Hoàng Phát theo hướng hủy toàn bộ bản án phúc thẩm để xét xử lại vụ án hình sự đối với Phan Cao Trí (chủ tập đoàn massage Tân Hoàng Phát) cùng các bị cáo phạm các tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản.
img
Phan Cao Trí (giữa) và các đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm

Bỏ qua sai sót được cho là nghiêm trọng

Trước hết, trong phần tuyên án công khai ngày 12-12-2011, ông Phạm Hùng Việt, thẩm phán chủ tọa phiên tòa, dành khá nhiều thời gian để phân tích về những sai sót nghiêm trọng của cáo trạng VKSND TPHCM và bản án sơ thẩm của TAND TPHCM, trong đó có việc bản án có sự gán ghép giữa chữ ký của các hội thẩm nhân dân, chủ tọa; cáo trạng có nhiều chỗ bất nhất; bản án rất không đúng theo quy định của pháp luật… Ngoài ra, đại diện VKSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng bị cho rằng “không xem xét, chỉ khẳng định chung chung. VKS là người truy tố cần phải chính xác, kết luận đúng…”.

Từ đó, HĐXX đưa ra nhận định: “Những sai sót trên là nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng vụ án xảy ra đã lâu, việc sai sót trên cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc xem xét lại tội danh, mức hình phạt của các bị cáo. Cho nên, nêu ra để cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm…’’. HĐXX không hủy án, ngược lại, xem xét giảm án hơn phân nửa  cho các bị cáo. Việc này đã gây bức xúc lớn trong dư luận.

Thế nhưng, trong phần xét thấy của bản án, về phần hình thức chỉ vỏn vẹn có 5 dòng, trong đó nêu kháng cáo của các bị cáo và 2 bị hại (mà án sơ thẩm chấp nhận) trong hạn luật định, là hợp lệ. Tuyệt nhiên, không có dòng nào nói cáo trạng của VKSND TPHCM và bản án của TAND TPHCM “có nhiều sai sót nghiêm trọng”, cũng không có dòng nào phê bình đại diện VKSND Tối cao.

Thêm nhiều chi tiết mới

Về nội dung và phần dân sự, bản án phúc thẩm đã bổ sung nhiều chi tiết mới không có trong phần tuyên án công khai tại tòa.

Trước hết, đó là việc bản án phúc thẩm cho rằng TAND TPHCM đã xử vượt quá phạm vi xét xử xác định người bị hại không chính xác, nhiều hơn số bị hại mà cáo trạng xác định, dẫn đến việc đánh giá sai tính chất vụ án, xác định sai trách nhiệm dân sự các bị cáo phải bồi thường cho những người bị hại sai và cho họ kháng cáo không đúng. Về việc bắt giữ cô T.N.T (được cấp phúc thẩm cho là bị hại duy nhất), bản án phúc thẩm nhận định các bị cáo phạm tội có tính cơ hội, nhất thời, không có tổ chức, bàn bạc chuẩn bị trước hay gây hậu quả nghiêm trọng, không phải làm theo lệnh của Phan Cao Trí; cô T. cũng có lỗi, bỏ trốn trong giờ làm việc, vi phạm nội quy lao động, có xem xét lỗi một phần của nạn nhân T., hậu quả có hạn chế… Từ đó, loại bỏ tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức” đối với Phan Cao Trí và đồng bọn và áp dụng khoản 1 (thay vì khoản 2), điều 123 BLHS để xử phạt các bị cáo… Cũng vậy, đối với bị cáo Phan Thị Yến, bản án phúc thẩm loại bỏ 2 tình tiết tăng nặng (phạm tội có tổ chức và phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng về tội cưỡng đoạt tài sản).

Về tội cưỡng đoạt tài sản, bản án phúc thẩm xác định bị cáo Trí phải chịu trách nhiệm trong những vụ kỷ luật chị T.T.L.Đ buộc nộp 20 triệu đồng tiền phạt, chị L.T.M.N 25 triệu đồng, chị P.T.H.N 30 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó lại loại trừ trường hợp chị T.T.L.Đ vì “số tiền sung vào công quỹ chung mức độ hạn chế, không cần thiết phải xử phạt tù về hành vi này của bị cáo Trí” và như vậy Trí chỉ tham gia 2 trường hợp (55 triệu đồng). Trong khi đó, tại phiên tòa công khai, HĐXX nhận định: “Trước đây, Trí là giám đốc, có nhiều hành vi sai phạm, sau này giao cho em vợ (Phan Việt Hậu) làm giám đốc, Trí cũng phải liên đới chịu trách nhiệm chung về hành vi bắt giữ người trái pháp luật hoặc hành vi cưỡng đoạt tài sản của các bị cáo khác. Cụ thể, Trí trực tiếp 3 vụ, còn phải chịu trách nhiệm liên đới với hành vi các bị cáo khác”.

Đặc biệt, tại phiên tòa tuyên án công khai không nhắc gì đến phần trách nhiệm dân sự, cho rằng “các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật”. Thế nhưng, trong bản án phúc thẩm lại có ghi thêm phần trách nhiệm dân sự, trong đó tuyên sửa lại một số trường hợp bản án sơ thẩm tuyên buộc bồi thường “không chính xác”.

Giảm nửa án

TAND TPHCM xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Phan Cao Trí 12 năm tù, Phan Việt Hậu 10 năm, Phan Quốc Cường 9 năm tù về hai tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản; Phan Thị Yến 6 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản, Nguyễn Minh Phương 3 năm tù, Nguyễn Hoài Nhanh 2 năm tù cùng về tội bắt giữ người trái pháp luật. 

Trong các ngày 8, 9 và 12-12-2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên phạt Trí 5 năm tù, Hậu 4 năm 6 tháng tù, Cường 4 năm, Yến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Phương 1 năm 6 tháng và Nhanh 1 năm tù.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo