Gửi câu hỏi đến người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều bạn đọc cùng thắc mắc vì sao lạm phát đã có xu hướng tăng chậm lại nhưng lãi suất vẫn không giảm.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết hiện nay chưa đủ điều kiện để giảm ngay lãi suất vì lạm phát tính theo tháng tăng chậm lại nhưng cả năm 2011 vẫn đứng ở mức cao là 18,3%. Các NH sau một thời gian tăng trưởng tín dụng rất cao, huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, đến khi bị thắt chặt tín dụng đang lâm vào tình trạng khó khăn về thanh khoản. Do đó, nhu cầu vốn cho hệ thống NH để bảo đảm thanh khoản vẫn còn rất lớn, chưa đủ điều kiện để giảm ngay lãi suất.
Trình bày hoàn cảnh vừa phải đóng cửa nhà máy, ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ, Chủ tịch Công ty Thể thao Động Lực, bức xúc: Hiện 80% doanh nghiệp của hội hoạt động cầm chừng, đóng cửa vì lãi suất quá cao. Doanh nghiệp khó khăn nhưng nhiều NH công bố lãi lớn, Thống đốc có giải pháp gì điều chỉnh?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích do chính sách tiền tệ thắt chặt lại, tăng trưởng tín dụng giảm từ mức 33,5% xuống dưới 20% vào năm 2011 nên có ít nhất 1/3 doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn NH. Lúc này, doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với khó khăn của đất nước.
Thống đốc không trả lời nội dung lợi nhuận cao của NH nhưng cho rằng các doanh nghiệp cũng phải nhìn nhận lại bản thân, lệ thuộc quá nhiều vào vốn vay NH là điều không lành mạnh. “Nếu doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, lãi suất NH lên đến 25%/năm cũng không gặp vấn đề gì”. Thống đốc Nguyễn Văn Bình kết luận.
Với vấn đề vượt rào lãi suất, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định đã biết hiện tượng này, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp được phát hiện. “Nếu tổ chức tín dụng vi phạm, người dân tham gia cũng chính là tòng phạm và theo pháp luật thì phải xử lý cả tòng phạm” - Thống đốc cứng rắn.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng chia sẻ với người dân về công tác điều hành đối với các thị trường tài sản, thị trường tài chính quan trọng khác trong năm nay. “Chính sách về quản lý thị trường vàng trong thời gian tới sẽ làm cho thị trường này không còn hấp dẫn nữa” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định. NHNN đang xây dựng đề án huy động nguồn lực từ 2.000-3.000 tấn vàng trong dân, phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng, trên thị trường chỉ có vàng miếng của Nhà nước.
Đối với thị trường bất động sản, sẽ có cơ chế điều hành khiến thị trường này không còn nóng, sốt, biến động lớn. Như vậy, người dân sẽ đầu tư vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu, cổ phiếu. Tất nhiên, quá trình này cần có sự chung tay của các bộ, ngành chức năng khác.
Trước đây, đầu tư toàn xã hội lên tới 44% GDP, trong khi tích lũy chỉ 20% nên hệ thống NH nâng lãi suất lên để hút vốn vì có bao nhiêu cũng cho vay ra được. Lãi suất lên cao, thị trường tiền tệ đồng thời thực hiện chức năng thị trường vốn. Khi tín dụng thắt chặt, các NH vẫn hút vốn khiến thị trường chứng khoán rất “xanh xao”, khi nào tín dụng được nới lỏng thì thị trường chứng khoán lại “hồng hào” vì cho vay chứng khoán tăng lên. “Như vậy, việc NH bơm vốn để cải thiện thị trường chứng khoán là biện pháp sai về bản chất”. Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói và cho rằng về căn cơ, phải lập lại trật tự trên hai thị trường này.
Bình luận (0)