xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trực tết ở bệnh viện: Càng ế "khách" càng mừng

Ngọc Dung - Anh Thư ghi

(NLĐO)- Hai điều dưỡng, bác sĩ ở BV Việt Đức - Hà Nội và BV Tâm Thần TPHCM cùng chia sẻ những kỷ niệm khó quên khi phải chiến đấu, giành giật sự sống cho bệnh nhân ngay trong đêm giao thừa

Đêm giao thừa là thời khắc để người người xum vầy bên gia đình và bạn bè. Thế nhưng, đã thành thông lệ, những người làm việc trong ngành y không được hưởng trọn niềm vui mà phải ăn Tết trong bệnh viện. Nhân ngày đầu năm mới, mời bạn đọc báo Người Lao Động cảm nhận đêm giao thừa rất riêng của các bác sĩ, điều dưỡng BV Việt Đức – Hà Nội và BV Tâm thần TPHCM.

 
BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM:

Ăn Tết cùng bệnh nhân tâm thần

Việc phải trực trong mấy ngày Tết, thậm chí là đón giao thừa với bệnh nhân hay sáng mùng Một phải xuất hành về phía… bệnh viện là chuyện thường tình đối với bác sĩ chúng tôi. Năm nay, tôi cũng trực vào mùng Một Tết.
 
img
BS Trịnh Tất Thắng
Với bác sĩ tâm thần, mấy ngày Tết cũng không nhẹ nhàng hơn ngày thường mấy, thậm chí còn nhiều việc hơn. Nhiều bệnh nhân tâm thần, cảm xúc thất thường dễ bị phát tác khi có chút rượu bia, ăn uống không điều độ hay dễ lên cơn khi gặp lại người thân, bạn bè dịp Tết.
 
Nhiều lần trực vào đúng đêm giao thừa, bệnh viện đón không biết bao nhiêu bệnh nhân “quậy” sau bữa tiệc tiễn năm cũ. Những cuộc gặp gỡ dù là vui vẻ vẫn có thể khiến bệnh nhân phải hồi viện ngay trong đêm. Khổ ở chỗ người tâm thần nào có mấy ai chịu nhận mình bị bệnh. Họ gây gổ, cãi vã thậm chí đánh cả nhân viên y tế. Biết bao nhiêu việc dồn vào nên những đêm ba mươi, những ngày Tết cũng trôi vèo theo công việc, làm đôi khi mình quên mất đang Tết.

Tết mà phải làm việc, không ở bên gia đình được thì buồn lắm. Lắm lúc thấy vợ ở nhà cặm cụi làm mâm cỗ cúng giao thừa; một mình đưa các con đi chơi sáng mùng Một, mùng Hai; rồi bạn bè tụ họp rôm rả đầu năm… cũng mơ được ở nhà. Nhưng đây là cái nghiệp, cũng là trách nhiệm của mình.

Nhiều người nhìn vào đều chạnh lòng cho chúng tôi làm việc khi nhà nhà xum vầy. Nhưng riêng tôi lại nghĩ, đã chọn ngành y thì phải chấp nhận. Từ những năm cuối đại học, sinh viên y khoa đã trải nghiệm những đêm trực Tết, lâu rồi thành quen.
 
img
Nhiều bác sĩ ở BV Tâm thần TPHCM hầu như không có Tết
 
Đôi khi tôi nghĩ mình còn sung sướng hơn nhiều người - như các anh em bộ đội ngoài đảo xa, ngoài biên giới, không chỉ phải đón giao thừa với công việc nguy hiểm mà còn trải qua nhiều đêm ngày biền biệt khác. Họ đã phải xa gia đình để những người như chúng ta được sống hạnh phúc giữa người thân.

Ngày Tết ở bệnh viện cũng khá giản đơn. Với bệnh nhân, chúng tôi tăng gấp đôi tiền cho các khẩu phần ăn ngày Tết. Phần tiền thừa ấy dùng để mua bánh chưng, hoa quả, mứt Tết… cho mọi người; dẫu rằng người ở lại đều bệnh nặng, đa phần nửa tỉnh nửa mê, nhiều người đâu còn biết Tết là gì.
 
Bác sĩ đi trực thì có vẻ cũng mang không khí Tết thật: ai cũng xách theo đòn bánh tét, ít đồ ăn khô… Nhưng thật ra là để chống đói vì mấy ngày nghỉ chẳng có hàng quán nào bán cả, trong khi mình phải trực cả ngày. Đôi lúc rảnh được dăm phút, anh em cũng ngồi lại với nhau nói vài ba câu chuyện Tết nhất nhưng thường cũng bị cắt ngang bởi những tiếng la hét của bệnh nhân.

Kỷ niệm Tết làm tôi nhớ nhất là món quà của một người bệnh nhân lâu năm. Từ khi bệnh tình thuyên giảm, được trở lại cuộc sống bình thường , Tết nào anh ấy cũng xách 1-2 hũ dưa món, cải chua tự tay làm lên tặng tôi. Những món quà ấy tuy đơn sơ nhưng lại đem nhiều niềm vui ấm áp, khỏa lấp những ngày Tết trong bệnh viện.
 
*Điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh (Khoa Tim mạch BV Việt Đức):
 
"Chúc năm mới ít bệnh nhân!"
 
Những ngày giáp Tết, không khí ở Bệnh viện Việt- Đức càng trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết. Bộ phận hành chính tất bật lo dự phòng đầy đủ mọi thứ thiết yếu như thuốc men, bông, băng, gạc… Các khoa thì chu đáo mua thêm cây quất, cành đào trang trí cho bệnh viện thêm hương vị ngày Tết. 
   
img 
Nói trực Tết nhẹ nhàng thế thôi những có lẽ đây là thời điểm đáng sợ nhất với nhân viên y tế BV Việt Đức. Tôi cũng không nhớ nổi mình đã trực Tết bao nhiêu lần nhưng các ca trực đều na ná nhau. Bởi là tuyến cuối cùng về ngoại khoa ở khu vực miền Bắc nên chúng tôi toàn tiếp nhận các ca nặng, đang chênh vênh giữa làn ranh sự sống và cái chết.
 
Công việc của những người điều dưỡng là tiếp nhận, sơ cấp cứu ban đầu cũng vì thế mà vất vả, căng thẳng hơn. Nhiều đêm giao thừa, làm một mạch, lúc nhìn lên đồng hồ đã thấy sang năm mới. Lúc ấy, chỉ mong chợp mắt 30 phút đến 1 giờ để lại sức, cấp cứu các bệnh nhân tiếp theo.
 
Sau thời khắc giao thừa, các y, bác sĩ trực cũng cố gắng tranh thủ thời gian ít ỏi, thay nhau dự họp mặt, chúc cho một năm an lành và “chúc cho năm nay vắng bệnh nhân”. Lời chúc này là mong mỏi chung của các nhân viên y tế bệnh viện tôi nhưng chẳng năm nào hiệu nghiệm. Bởi chỉ sau thời khắc giao thừa, bệnh viện đã sớm “đón” các bệnh nhân đầu tiên của năm mới.
 
Gần 10 năm trực cấp cứu bệnh viện, tôi nhận thấy những người “xông đất” bệnh viện chủ yếu gặp tai nạn xe máy (trước đây là tai nạn pháo nổ) và còn rất trẻ. Chúng tôi thường bảo “giống cả năm” vì theo thống kê số liệu tai nạn thương tích thì có đến 65% nạn nhân nhập viện hàng năm ở độ tuổi lao động và gặp tai nạn giao thông.
 
Sáng mồng Một có lẽ là thời khắc đáng nhớ của những bệnh nhân không may nằm viện dịp Tết. Không khí những ngày đầu năm trong bệnh viện dù không bằng ở nhà nhưng vẫn khá đầm ấm và tươm tất. Những bệnh nhân “bất đắc dĩ” phải nằm viện cũng được chăm lo chu đáo với những gói quà Tết của bệnh viện hay cái bánh chưng, bịch mứt tết từ gia đình. 
 
Ngoài sự tất bật của phòng mổ, phòng cấp cứu hoạt động xuyên qua 2 năm thì các khoa phòng cũng rộn ràng lời chúc Tết khiến các bệnh nhân như vơi đi nỗi buồn xa nhà. Chúc “hồi phục sức khỏe và mau ra viện” vẫn là lời chúc được nhắc đến nhiều nhất trong bệnh viện vào Tết. 
 
img
Phòng cấp cứu lúc nào cũng quá tải. Ảnh: NLĐ
 
Như một quy luật, những kỷ lục về lượng bệnh nhân trong một năm đều rơi vào ngày mồng Hai Tết. Số bệnh nhân nhập viện ngày này thường bị chấn thương sọ não nặng, chấn thương chi, chấn thương bụng và đặt biệt là đa chấn thương. Mức độ chấn thương mỗi năm thêm nặng và phức tạp. Theo thống kê tại bệnh viện thì năm sau, số bệnh nhân tai nạn tăng lên 5-10% so với năm trước. 
 
Nhiều người được đưa vào cấp cứu trong tình trạng say khướt, không có người thân hoặc đi kèm với mấy ông bạn “cùng hội, cùng chầu”. Có lần một nhân viên công ty vệ sinh phát ốm vì trực Tết. Nguyên nhân không phải vì sợ máu hay lạnh mà do cả ngày đi dọn “bãi chiến trường” của các "ma men". Thế nên, đến bệnh viện dịp này sẽ cảm nhận rõ hơn hậu quả nặng nề từ những buổi liên hoan, tất niên, chúc Tết "quên cả đường về".
 
Tết là vui. Ai cũng biết thế nhưng chỉ khi ở bệnh viện đêm giao thừa mới thấm thía nỗi buồn không đáng có của ngày Tết. Điều mong mỏi lớn nhất của nhân viên ngành y chúng tôi mỗi dịp Tết đến là mọi người nên uống rượu, bia vừa phải; ăn uống hợp vệ sinh và giữ an toàn giao thông. Đó là cách để bảo vệ bản thân cũng như giúp cho các bệnh viện trong ngày Tết được “vắng” hơn.                                  
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo