Theo nội dung đoạn băng ghi âm được báo Corriere della Sera (Ý) tiết lộ hôm 17-1, một quan chức cảng Livorno đã nổi giận và nhiều lần thúc giục ông Francesco Schettino, thuyền trưởng tàu du lịch Costa Concordia bị lật, quay trở lại tàu sau khi nó gặp nạn để giúp đỡ những hành khách còn mắc kẹt.
Dù vậy, ông Schettino vẫn một mực khước từ với lý do trời quá tối và rất khó để nhìn thấy đường. Nếu được chứng thực, theo hãng tin Reuters, đoạn băng ghi âm có thể củng cố thêm những tội danh mà ông Schettino, người bị báo Corriere della Sera mô tả là “người đàn ông đáng ghét nhất ở Ý”, đang đối mặt.
Thuyền trưởng Francesco Schettino (giữa) sau khi ra tòa hôm 17-1. Ảnh: Reuters
Cùng ngày, thẩm phán một tòa án ra lệnh quản thúc ông Schettino tại gia trong lúc cuộc điều tra vụ lật tàu tiếp diễn. Thuyền trưởng này bị cáo buộc rời bỏ con tàu lúc 23 giờ 30 phút hôm 13-1 (giờ địa phương), thời điểm vẫn còn 230 người trên đó. Những người này chỉ được cứu lúc 2 giờ hôm 14-1.
Ngoài ra, ông Schettino còn đối mặt với những cáo buộc ngộ sát và làm đắm tàu bằng cách lái nó đến quá gần bờ.
Dù vậy, ông Schettino đã phủ nhận những cáo buộc nói trên tại phiên tòa cho các công tố viên biết ông đang lái con tàu thì thảm họa xảy ra nhưng sau đó, ông bị rơi xuống biển và không thể quay lại con tàu do nó bị nghiêng.
Ông thậm chí còn cho rằng lẽ ra mình phải được tuyên dương vì đã “cứu hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn tính mạng” do đã lái tàu đến gần bờ sau khi nó va phải đá ngầm.
Công việc tìm kiếm 24 người mất tích trong vụ lật tàu vẫn đang được tiếp tục. Một nỗi lo khác hiện nay là mối đe dọa của vụ tai nạn đối với môi trường.
Chủ sở hữu và hãng bảo hiểm tàu Costa Concordia đã thuê Công ty Dịch vụ hàng hải SMIT của Hà Lan bơm 2.300 tấn nhiên liệu khỏi con tàu và dọn dẹp nếu xảy ra rò rỉ nhiên liệu. SMIT cho biết họ đã sẵn sàng công việc ngay khi hoạt động tìm kiếm người mất tích chấm dứt và nhận được sự cho phép của chính quyền địa phương.
Trong một diễn biến liên quan, các hành khách đi trên con tàu Costa Concordia đã bắt đầu cuộc chiến pháp lý đòi bồi thường. Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Codacons ở Ý cho biết hơn 70 hành khách đã tham gia vụ kiện chống lại Công ty Costa Crociere, chủ sở hữu con tàu.
Ông Carlo Rienzi, đồng chủ tịch Codacons, cho hãng tin AFP biết mục tiêu của họ là giúp mỗi hành khách nhận được ít nhất 10.000 euro tiền bồi thường cho những thiệt hại vật chất và nỗi sợ hãi mà họ đã trải qua.
Theo ông Macro Ramadoti, một đồng chủ tịch khác của Codacons, đơn kiện có thể sẽ được đưa ra tòa sau quy trình xem xét dự kiến mất vài tháng. Ramadori cho biết ông tin rằng vụ kiện sẽ được tòa chấp thuận. Trong khi đó, các chuyên gia nhận định rằng Công ty Costa Crociere có thể đề nghị một thỏa thuận dàn xếp để tránh đưa vụ việc ra tòa.
3 công dân Việt Nam an toàn
Ngày 17-1, Đại sứ quán Việt Nam tại Ý cho biết ngay sau khi được tin tàu du lịch Costa Concordia bị mắc cạn ngoài khơi Giglio (Ý), Đại sứ quán đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại và được biết có 3 công dân Việt Nam, gồm: Mai Thị Phương Thy (nữ), trú tại phường 11, quận Bình Thạnh - TPHCM; Trương Đình Duy (nam), trú tại phường 14, quận 10 - TPHCM và Danh Oanh Di (nam), trú tại xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng - Kiên Giang đang làm việc trên tàu.
Khi xảy ra tai nạn, 3 công dân Việt Nam nói trên đã nhảy ra khỏi tàu, bơi vào đảo và được người dân tại đây giúp đỡ. Hiện 3 người này đều khỏe mạnh và đang ở tại một khách sạn gần thủ đô Rome. Đại sứ Việt Nam tại Ý Đặng Khánh Thoại đã đến khách sạn thăm hỏi, tặng quà và động viên các công dân Việt Nam; đồng thời gặp và yêu cầu đại diện của Công ty Costa Crociere quan tâm giúp đỡ, giải quyết các quyền lợi về lương và đền bù thỏa đáng thiệt hại về tài sản cho họ. Đại sứ quán Việt Nam sẽ hỗ trợ mua quần áo, đồ dùng cần thiết và cấp giấy thông hành cho các công dân ta sớm về nước.
B.Diệp - D.Quốc |
Bình luận (0)