Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngay sau khi làm việc với cơ quan CSĐT, bà Nguyễn Thị Kim Nga cho biết cán bộ điều tra chủ yếu hỏi về nội dung đơn bà gửi cho chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an... đề nghị chỉ đạo điều tra lại vụ giết chết con trai của bà bằng chất đốt, tại sao biết viết, làm sao viết được tờ đơn như vậy, ai viết giùm...
“Họ nói sắp tới làm lại (điều tra lại-PV) và hỏi tui có nhớ nội dung tờ đơn, lâu nay có ai đến trao đổi gì về vụ nhà báo Hoàng Hùng không. Tui nói là rất bức xúc vì một năm kéo dài rồi mà chưa đưa vụ án ra xét xử nên tui than phiền với luật sư Đức (Luật sư Nguyễn Văn Đức, Công ty Luật Biển Đông – PV) và nhờ giúp cho. Tui sợ làm việc kiểu này, có khi tui chết trước con dâu (Liễu-PV) mà vẫn chưa nhìn thấy kết quả xét xử như thế nào. Tui buồn lắm!” - Bà Nga nói.
Do bà Nga đã già yếu (75 tuổi) và không biết đọc, ngày 19-1, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà là Luật sư Nguyễn Văn Đức đã từ TPHCM về Long An để trợ giúp pháp lý cho bà Nga, nhưng ông không được CSĐT chấp nhận cho tham gia buổi làm việc nói trên.
Trong khi đó, em trai của nhà báo Hoàng Hùng, ông Lê Hoàng Minh, cũng không được đi theo mẹ vào trong phòng tiếp xúc với cán bộ công an.
Về việc này, luật sư Phan Trung Hoài, Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phân tích như thế nào và vai trò của Luật sư Nguyễn Văn Đức trong vụ án này ra sao? Mời bạn đọc đón đọc trên báo giấy Người Lao Động số ra ngày mai, 20-1.
Bình luận (0)