Hàng loạt quán cà phê, tiệm karaoke mọc lên ở Duy Vinh nhưng vắng tanh. “Người Duy Vinh, nhất là thanh niên, gần như không có thói quen la cà quán xá. Ban ngày mà đến đó, bọn trẻ sợ bị điều tiếng rằng vô công rỗi nghề, nhàn cư vi bất thiện... Duy Vinh có gần 5.000 lao động với mong muốn một người có thể giỏi 2 nghề, một nhà giỏi 5 nghề và toàn xã phải ăn nên làm ra với hơn 10 nghề nên không ai ngồi không đâu, dù là gần Tết” - ông Phan Công Nhanh, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, giải thích.
Một vị cao tuổi của dòng tộc Võ Văn ở Duy Vinh - Quảng Nam
chuẩn bị tư liệu để tổng kết năm cũ, đón năm mới
Ông Diệp Đình Hưng, nguyên cán bộ Văn phòng UBND xã Duy Vinh, nhớ lại: “Khi không còn bận tâm với miếng cơm manh áo, nhà nhà bắt đầu để tâm đến cội nguồn của mình. Duy Vinh có gần 30 họ, họ nào cũng xin cấp đất để lập nhà thờ tộc. Giải quyết thế nào để bảo đảm được cả chung - riêng không đơn giản nhưng chúng tôi luôn xem trọng chuyện đạo lý”. Giữa lúc ấy, Bí thư Đảng ủy xã Duy Vinh (1992 - 1996), ông Trần Duy Năm, cùng MTTQ xã bàn bạc và đưa ra mô hình “4 không” - không nợ nần dây dưa, không nghèo đói, không vi phạm pháp luật, không mù chữ - áp dụng với từng dòng họ.
Mô hình “4 không” nhanh chóng trở thành một giao ước thi đua bất thành văn giữa các dòng họ ở Duy Vinh. Ông Võ Quý, người cao tuổi nhất họ Võ Đăng, cho biết cứ đến chiều 30 Tết, con cháu lại tập hợp tại nhà tộc để chuẩn bị làm lễ rước ông bà. Mùng một Tết, con cháu thắp nén hương đầu tiên của năm mới lên bàn thờ tổ tiên. Sau phần dâng hương, tộc trưởng trịnh trọng nhắc lại lịch sử dòng họ mình. “Dòng họ ta vẻ vang đến vậy nhưng năm qua đã có cháu, con vi phạm pháp luật; ... người còn nợ nần, nghèo đói; ... cháu vẫn thất học” - tộc trưởng nhấn mạnh. Tiếp đó, đại diện các chi, phái hoặc gia đình kính cẩn dâng hương, nhận lỗi và hứa với tổ tiên: “Cầu xin chứng giám lòng thành, từ nay...”. Xong, cả họ ngồi lại nghe tộc trưởng tổng kết những gì đã làm được trong năm.
Không nợ nần dây dưa, không nghèo đói, không vi phạm pháp luật, không mù chữ |
Ông Phan Công Nhanh hồi tưởng: “Trước đây, nhà nào ở Duy Vinh có con học đến lớp 10 là “ngon” lắm rồi. Lên cấp ba, con em của xã đi học phải sang sông phía bờ Đông - Hội An, khổ lắm. Vậy mà có muốn khổ cũng chẳng được vì gia đình nào cũng nghèo quá, lấy gì ăn học! Những năm gần đây, bà con xa quê đã đóng góp nhiều kinh phí để xây trường mới cho các cháu có nơi học hành đàng hoàng”. Tộc trưởng Võ Quý khoe: “Tộc Võ Văn và một số tộc trong xã như Trần, Nguyễn, Võ Đăng, Khương, Phan... đã xây dựng quỹ khuyến học và xóa đói giảm nghèo gần 10 năm nay. Tuy tiền chưa nhiều nhưng có thể giúp cho các thành viên tạo dựng cuộc sống ổn định và khuyến khích các cháu yên tâm học tập”.
Trong “4 không”, chính quyền xã Duy Vinh tâm đắc nhất với “không vi phạm pháp luật”. Ông Nguyễn Văn Năm, Bí thư Đảng ủy Duy Vinh, nguyên trưởng công an xã, chứng minh: Năm 2005, xã xảy ra 45 vụ liên quan đến 98 đối tượng nhưng năm nay chỉ còn vài vụ với 5-7 người liên quan và cũng chỉ là say rượu, gây gổ, làm mất trật tự thôn xóm. “Một môi trường sống mà người dân không thất nghiệp, chịu sự giáo dục của dòng họ và tác động của xã hội, không muốn vì mình mà tộc trưởng phải đứng lên kiểm điểm trong mỗi kỳ gặp mặt truyền thống giữa chính quyền và các dòng họ... sẽ dẫn dắt người ta đến với chân - thiện - mỹ” – ông Năm đúc kết.
Ông Trần Duy Năm, tác giả “4 không”, sau này làm phó Văn phòng Huyện ủy Duy Xuyên và vừa nghỉ hưu mới đây, thổ lộ: “Chúng tôi muốn những ý niệm về tâm linh trở nên duy vật và thực tiễn hơn trong cuộc sống cộng đồng. Cách nghĩ ấy có lẽ đã giúp người Duy Vinh luôn vững bước trong gian khó và có được những thay đổi như hôm nay”.
Bình luận (0)