xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phản cảm ở chốn linh thiêng

MẠNH DUY – HOÀNG LAN ANH

Dù các địa phương và ngành văn hóa - thể thao - du lịch đã quyết tâm trả lại vẻ đẹp cho các lễ hội truyền thống nhưng mùa lễ hội năm nay, tình trạng bát nháo vẫn diễn ra ở nhiều nơi

Hôm qua, 28-1 (mùng 6 Tết), là ngày khai hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức – Hà Nội), lễ hội diễn ra dài nhất trong năm - gần 3 tháng. Đây cũng là lễ hội tốn kém và có nhiều vấn đề bức xúc nhất trong các lễ hội ở nước ta. Những “căn bệnh” ở lễ hội chùa Hương cũng tồn tại ở nhiều lễ hội văn hóa và tâm linh khác diễn ra suốt tháng giêng.

Quá tải: Tài thánh cũng khó cải thiện!

Như mọi năm, ngày khai hội luôn là thời điểm mà chùa Hương đón một lượng khách kỷ lục. Chính vì năng lực đón tiếp khách của Ban Tổ chức (BTC) Lễ hội chùa Hương không theo kịp lượng người trẩy hội nên điệp khúc quá tải luôn làm những nhà tổ chức và du khách đau đầu. “Có tài thánh cũng không thể cải thiện được tình trạng này” - một thành viên BTC thừa nhận.

Với lễ hội chùa Hương, việc quá tải người tham quan dẫn đến nhiều hệ lụy: Thiếu phương tiện đưa đón khách; dịch vụ ăn uống, mua bán hàng hóa đua nhau “chặt chém”; nạn trộm cắp, ăn xin tràn lan… Theo thống kê chưa đầy đủ của BTC Lễ hội chùa Hương, trong hai ngày mùng 5 và mùng 6 Tết, đã có gần 100.000 lượt khách trẩy hội này. “Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra đột xuất tất cả các khu vực tại chùa Hương. Nếu phát hiện tình trạng hàng quán, dịch vụ tự ý nâng giá, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm” - ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng BTC Lễ hội chùa Hương, khẳng định.

img
Du khách chen kín trong ngày khai hội chùa Hương năm nay. Ảnh: MẠNH DUY
Dù vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng chèo kéo khách để vòi vĩnh thêm tiền đi đò vẫn không khác gì mọi năm. Các cửa hàng, dịch vụ vẫn chưa niêm yết giá theo quy định và nếu có thì cũng “trên trời”. Theo các chủ cửa hàng, đây là “giá đặc biệt phục vụ lễ hội”. Bên cạnh đó, nhiều cảnh chướng tai gai mắt chốn cửa Phật, như: hàng quán bày bán thịt thú rừng “đặc sản” tràn lan, còn thực khách đua nhau xơi; rải tiền công đức vô tội vạ bất cứ chỗ nào; chèo kéo khấn vái thuê… cũng không có gì thay đổi.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, ngụ quận Đống Đa – Hà Nội, sau nhiều năm không trẩy hội chùa Hương vào ngày khai mạc mà dời sang tận tháng 2 âm lịch để “đi cho vắng”, năm nay đã quyết định tìm lại không khí khai hội. Tuy nhiên, bà đã thất vọng nặng nề vì lại thêm một lần nữa không thể vào đến động Hương Tích. “Trẩy hội mà không vào được động Hương Tích thì không còn ý nghĩa gì nữa nhưng với cảnh tắc đường, chen lấn, xô đẩy kinh hoàng phía trước, tôi đành bỏ cuộc” - bà Lan ngao ngán.

Ông Trương Chí Hiền, một du khách từ TPHCM lần đầu tiên trẩy hội chùa Hương, khi nhìn cảnh chen nhau đợi mua vé cáp treo đã lắc đầu ngán ngẩm. “Phải có đủ sức khỏe và lòng can đảm để không sợ tình cảnh giẫm đạp xảy ra thì mới dám xếp hàng tại cáp treo. Không ít người dù mua được vé đi cáp treo nhưng cũng chỉ đành đứng từ xa “vái vọng” do sau lễ khai hội chùa Hương năm nay, dòng người nêm kín đã khiến cửa động Hương Tích tắc nghẽn. Nhiều người đi nửa chừng đã phải bỏ về do lo sợ sự cố” – ông Hiền cho biết.

Phản cảm

Tại TP Bắc Ninh – tỉnh Bắc Ninh, dù trời rét đậm, rét hại nhưng ngay từ mùng 1 Tết, hàng vạn khách thập phương vẫn đổ về đền Bà Chúa Kho ở làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh để cầu tài lộc, nhất là vay tiền bà Chúa Kho, mong năm mới công việc xuôi thuận, phát tài. Ông Nguyễn Ngọc Sự, Trưởng Ban Quản lý Di tích đền Bà Chúa Kho, cho biết phần lớn du khách đều là những người kinh doanh, họ đến đền bất kể ngày đêm.

Trước mùa lễ hội năm nay, Thanh tra Bộ Văn Hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cùng Sở VH-TT-DL Bắc Ninh đã có chuyến thị sát tại những điểm nóng bị nhiều du khách kêu ca về dịch vụ. Đối với lễ hội đền Bà Chúa Kho, ông Nguyễn Quang Nhị, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Bắc Ninh, cho biết đã chỉ đạo TP Bắc Ninh và ban quản lý di tích nghiêm túc rút kinh nghiệm về những mặt chưa được nhưng tình trạng xô bồ vẫn diễn ra. Không chỉ chèo kéo du khách, mời viết sớ, mua vàng mã, tình trạng khấn thuê ngay trong đền cũng khiến nhiều người bất bình.

Anh Nguyễn Thành, một du khách đến từ quận Cầu Giấy - Hà Nội, cho rằng bỏ ra 10.000 - 20.000 đồng nhờ khấn thuê là chuyện nhỏ nhưng việc những người khấn đọc vang tên gia chủ với những lời cầu xin vật chất nghe rất phản cảm ở chốn linh thiêng. Tại khu vực đền luôn túc trực một đội ngũ thanh niên hóa vàng thuê kiêm… xin tiền du khách. Bất cứ ai có thái độ chần chừ, chậm rút ví sẽ bị mắng ngay là keo kiệt, thậm chí cả những lời xui xẻo khiến du khách đi lễ rất bức xúc.

img
Năm nay, cảnh chen lấn xin ấn đền Trần sẽ không còn tái diễn?
Theo chủ một cửa hàng bán vàng mã ngay dưới chân đền Bà Chúa Kho, những người khấn thuê hay trộm cắp, móc túi đều từ nơi khác dạt đến chứ không phải dân địa phương. Hết lễ hội đền Bà Chúa Kho, những người này lại đến lễ hội khác “kiếm ăn” trong suốt mùa Xuân.

Do lượng khách đến xin lộc rất nhiều nên đoạn đường dẫn vào đền Bà Chúa Kho thường xuyên ùn tắc, càng về tối càng đông. Theo ông Sự, để bảo đảm an ninh trật tự trong lễ hội, lực lượng công an TP và tỉnh đã tăng cường đến đây. Tuy nhiên, dù ban quản lý di tích và các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh nhưng do lượng khách quá đông, tình trạng bát nháo vẫn diễn ra.

“Mài dao” cả năm chờ “chặt chém”

Những lễ hội tâm linh thì đông nghẹt người, còn các lễ hội văn hóa lại diễn ra nhiều cảnh mất văn hóa nên dù muốn trẩy hội đầu năm, không ít du khách vẫn ngao ngán. Hầu như đi đến lễ hội đông người nào, du khách đều nhắc nhau phải đề cao cảnh giác bởi chỉ cần sơ hở một chút là đã có thể bị kẻ gian lấy trộm đồ đạc, rạch túi xách ngay.

Ông Nguyễn Văn Vấn, Trưởng Công an huyện Tiên Du - Bắc Ninh, đơn vị trực tiếp phụ trách công tác an ninh ở Hội Lim (quan họ Bắc Ninh), cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng nhận được rất nhiều phản ánh của du khách về nạn trộm cắp, móc túi tại lễ hội. Năm nay, chúng tôi sẽ tăng cường các lực lượng ngầm ngoài các chốt chặn để ngăn ngừa tình trạng này”. Theo ông Vấn, lễ hội càng có nhiều hoạt động vui chơi thì người trẩy hội càng mất cảnh giác khiến bọn trộm cắp có nhiều cơ hội lộng hành.

Dịch vụ ăn theo lễ hội vẫn là chuyện nhức nhối nhiều năm nay. Ông Lê Văn Tư, ngụ quận Đống Đa - Hà Nội, than phiền: “Từ những chuyện nhỏ như đổi tiền lẻ cho khách đến các dịch vụ ăn uống, giữ xe, nhà nghỉ…, người ta đều tăng giá vô tội vạ. Du khách chúng tôi hay nói vui với nhau rằng những người làm dịch vụ lễ hội “mài dao” suốt cả năm rồi, chỉ đợi đến dịp có khách là “chặt chém”!”.

Tại hầu hết các điểm tổ chức lễ hội, giá giữ xe máy đã tăng lên 20.000 - 25.000 đồng, ô tô 100.000-150.000 đồng/chiếc; bún, phở đến 80.000 - 100.000 đồng/bát; đổi 100.000 đồng ra tiền lẻ chỉ được 60.000 đồng... BTC bất lực, người trẩy hội kêu trời nhưng tình trạng này dường như đã được mặc nhiên công nhận. Đó là còn chưa kể một loạt hoạt động cờ bạc trá hình ở các lễ hội văn hóa dưới dạng “vui chơi có thưởng”, nạn ăn xin đeo bám… diễn ra phổ biến, cơ quan chức năng cũng biết nhưng không cách gì dẹp bỏ tận gốc được.

Không còn ấn đền Trần giả ?

Hội đền Trần ở Nam Định sau khi chịu quá nhiều tai tiếng, năm nay đã phải tìm cách chấn chỉnh. Ông Khúc Mạnh Kiên, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định, cho biết năm nay, sau khi tiến hành xong lễ khai ấn, BTC không phát ấn ngay cho du khách như mọi năm mà đồng loạt phát từ 7 giờ sáng rằm tháng giêng và kéo dài đến hết tháng này.

Lường trước được tình hình an ninh trật tự trước khi phát ấn sẽ rất phức tạp, nhất là trong thời gian du khách chờ đợi từ 0 giờ đến 7 giờ, nên UBND TP Nam Định và Công an tỉnh Nam Định đã quyết định giữ nguyên lực lượng tham gia công tác bảo vệ như mùa lễ hội năm 2011. Trong thời gian đợi phát ấn, lực lượng công an sẽ tiến hành nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Những chốt bảo vệ trọng yếu sẽ được tăng cường thêm người để lễ khai ấn diễn ra trang nghiêm, đúng nghi thức truyền thống. Dự kiến từ 20 giờ ngày 14 tháng giêng, người dân và du khách sẽ được mời ra ngoài khuôn viên đền Trần để BTC chuẩn bị lễ rước và khai ấn.

Tìm về Khu Di tích Đền Trần những ngày trước lễ hội, chúng tôi chứng kiến không khí trầm lắng hơn hẳn mọi năm. Không phát ấn ngay sau lễ khai ấn, du khách vui mừng nhưng những người sống dựa vào lễ hội này thì buồn ra mặt.
Anh Trần Văn Thảo, một người dân ở phường Lộc Vượng – TP Nam Định, cho biết: “Nhiều gia đình quanh nhà tôi mọi năm làm nghề in ấn đền Trần giả để bán cho người đi lễ nhưng năm nay đã mất cửa làm ăn”. Thế mới biết, trong hàng vạn lá ấn đền Trần được phát ra mọi năm, có không ít đồ giả. “Năm nay chắc sẽ không còn ấn giả và cũng không còn ai bị lừa dịp đầu năm nữa” – anh Thảo kỳ vọng.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo