xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vật vạ vào Nam

NHÓM PHÓNG VIÊN

Cứ sau Tết, đón xe vào Nam là nỗi ám ảnh của hành khách từ các tỉnh, thành miền Trung. Nhà xe vô tư hét giá, nhồi nhét… mặc nỗi khốn khổ của hành khách

Mặc dù mới mùng 6 Tết (28-1) nhưng tình hình tàu xe từ miền Trung vào phía Nam đã rất căng thẳng. Nhiều hành khách vật vạ bên Quốc lộ 1A, mong đón được chuyến xe may mắn để vào Nam, bất kể tình trạng như thế nào.

Thỏa sức “chặt chém”

Năm nào cũng vậy, sau Tết, hàng chục ngàn công nhân ở Đà Nẵng, Quảng Nam lại khăn gói trở vào Nam tiếp tục công việc. Theo tin từ Bến xe Đà Nẵng, mặc dù năm nay, bến đã tăng cường hàng trăm xe nhưng đến thời điểm này, hầu hết các hãng xe chất lượng cao như Mai Linh, Thuận Thảo, Phương Trang... đều đã bán hết vé đến ngày 3-2.

Sáng 28-1, dọc theo tuyến Quốc lộ 1 A từ TP Đà Nẵng vào đến Tam Kỳ (Quảng Nam), hàng ngàn hành khách phơi nắng, chờ đợi từng chuyến xe. Chị Nguyễn Thị Mai Hương (ở TP Đà Nẵng) cùng 4 người bạn cho biết nhóm của chị đón xe vào TPHCM từ 6 giờ nhưng mãi đến 8 giờ 30 phút vẫn chưa được. Theo chị Hương, mỗi vé từ Đà Nẵng vào TPHCM, chủ xe đòi đến 550.000 đồng, trong khi ngày thường chỉ từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng”. “Chúng tôi làm công nhân may, lương thấp nên đành chấp nhận phơi nắng nhiều giờ để chọn xe giá rẻ vào TPHCM” - chị Hương tâm sự.

img
Người già, trẻ em ở Quảng Nam vất vả đón xe vào TPHCM. Ảnh: HOÀNG DŨNG
Tại TP Tam Kỳ cũng có rất đông công nhân, học sinh, sinh viên đứng chật kín hai bên đường để đón xe vào Nam. Chị Nguyễn Thị Mai (trú tại xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước) là công nhân của Công ty May Thái Dương có trụ sở ở quận Thủ Đức - TPHCM, cho biết chị chờ từ 5 giờ 30 phút đến gần 10 giờ mà chưa đón được xe vào Nam. Vừa lúc đó, xe khách Anh Tư ập vào sát lề đường, suýt tông vào những người đứng đón xe. Xe chưa kịp dừng, hai phụ lái đã nhảy xuống hét giá: 800.0000 đồng ngồi “ghế giữa”, 600.000 đồng ngồi phía sau. Kỳ kèo mãi, chị Mai mới đi được “ghế giữa” với giá 600.000 đồng.

Mỏi mòn chờ xe

Mới 7 giờ mùng 6 Tết, tại Bến xe phía Nam TP Huế (Thừa Thiên – Huế) đã có hàng ngàn người đến mua vé vào phía Nam và Tây Nguyên. Ông Phạm Xuân Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý Bến xe tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết mỗi ngày có đến 150 đầu xe xuất bến vào Nam, riêng tuyến Huế đi TPHCM có khoảng 60 đầu xe loại 40 chỗ/chiếc nhưng vẫn quá tải. Trong khi đó, tại ngã ba đường tránh TP Huế ở xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế, hàng trăm người cũng vật vã cả buổi trời để đón xe. Hầu hết các xe không dừng lại đón khách vì đã chật kín.

Tại tỉnh Quảng Bình, các điểm đón xe dọc đường như ở ngã ba thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch; thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch; ngã ba Cam Liên, huyện Lệ Thủy…, hàng ngàn người đành quay trở về nhà vì không đón được xe. Anh Nguyễn Trọng Hoàng đón xe tại thị trấn Hoàn Lão đi tỉnh Bình Dương, dù điện thoại trước với nhà xe nhưng cũng bị từ chối vì lý do xe đón khách quen đã kín chỗ. “Các nhà xe đều hét giá từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/khách nhưng lên xe phải ngồi chen chúc”.

Ông Trần Văn Trình, Giám đốc Bến xe Liên tỉnh Phú Yên, cho biết 45 đầu xe của bến đã không còn vé đến mùng 10 tết. “Nhiều người quen nhờ tôi lấy vé cho con em là sinh viên để kịp nhập học nhưng tôi đành chịu thua”- ông Trình nói. Để tăng cường phương tiện đưa sinh viên Phú Yên trở lại trường, đã có 9 đầu xe du lịch của DNTN Vận tải Anh Tuấn được huy động thêm trên tuyến TP Tuy Hòa - TPHCM nhưng tất cả cũng đều hết sạch vé.

Lê Thị Thanh My, sinh viên năm 3 Trường Đại học Sư phạm TPHCM, lo lắng vì mùng 10 là nhập học nhưng mấy ngày qua cô đón không được xe. “Ba má khuyên em muốn đi vào TPHCM thì phải đón xe đi Nha Trang, sau đó lại đón xe Nha Trang đi Ninh Thuận, tiếp đó đón xe Ninh Thuận đi Bình Thuận, rồi mới đón xe Bình Thuận đi TPHCM. Sẽ rất vất vả và chi phí tăng cao nhưng biết phải làm sao?” - Thanh My lo ngại.

Tàu hỏa cũng nhồi nhét

Trưa 27-1, nhiều hành khách mua vé tàu hỏa SE3, lên tàu tại ga Huế đi TPHCM không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh tượng một giường nằm nhưng có đến 3 hành khách ngồi chen nhau. Một hành khách tại buồng số 7, toa 10 cho biết anh mua vé từ Hà Nội đi TPHCM với giá 1,5 triệu đồng/ghế ngồi mềm, điều hòa. Tuy nhiên, khi lên tàu anh bị nhét chung với 2 người khác ngồi chung một giường.

Trong những ngày thường, mỗi buồng có máy điều hòa trên tàu SE3 chỉ có 4 giường nằm (2 tầng 1 và 2 tầng 2). Tuy nhiên, không hiểu sao trong dịp Tết này, ngành đường sắt lại biến giường nằm tầng 1 thành 3 vé ghế ngồi khiến hành khách rất bức xúc. Nhiều hành khách khác phải ngồi ghế nhựa tăng cường. Trong khi đó, tại ga Huế và Đà Nẵng, nhiều người chen nhau xếp hàng để mua vé tàu vào TPHCM nhưng hầu hết vé đi trước ngày 3-2 đã bán hết.

Mỗi ngày đón hơn 50.000 khách

Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều người lại tấp nập trở vào TPHCM để làm việc và học tập. Tại Bến xe Miền Đông, trong hai ngày 27 và 28-1 đã đón gần 100.000 lượt khách từ các tỉnh miền Bắc, Trung, Tây Nguyên đổ về, tăng gấp đôi so với ngày thường. Theo ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc bến xe, ngày 28-1, nhằm mùng 6 Tết, ngày đẹp nên lượng khách qua bến tăng cao, lên đến 50.000 lượt. Dự kiến lượng khách tiếp tục tăng cao vào 2 ngày tới. Riêng những xe buýt tăng cường đưa khách về quê trong dịp trước Tết sẽ ở lại các tỉnh để chở khách vào TPHCM.

Còn tại Bến xe Miền Tây, ông Trần Văn Phương, phó giám đốc, cũng cho biết từ ngày 28-1, lượng khách qua bến đạt 50.000 lượt/ngày, tăng gấp đôi so với ngày thường.

Tại ga Sài Gòn, từ mùng 4 Tết, lượng khách ở miền Trung, miền Bắc về TPHCM đã bắt đầu tăng nên ngành đường sắt đã tăng cường tối đa 10 đoàn tàu (có 14 đoàn tàu Thống Nhất và 5 đoàn tàu địa phương).

T.Hồng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo