Trở lại Việt Nam sau 3 năm xa cách, Steven - chàng trai đến từ Thụy Điển - cho biết mình rất vui khi chứng kiến nhiều thay đổi trên đất nước này. Có nhiều bạn bè là người Việt cùng làm việc chung cho một tập đoàn toàn cầu lớn, Steven nói anh yêu mến những người Việt nên anh cũng thật lòng nói rằng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nhưng đáng tiếc là chưa biết cách khai thác.
Sản phẩm đơn điệu, dịch vụ kém chất lượng
Trên góc nhìn một người làm du lịch lâu năm, giám đốc một hãng lữ hành Việt Nam nói điều ông ngán ngẩm nhất là giá cả cạnh tranh không lành mạnh và sự đơn điệu của sản phẩm. Do sự làm ăn theo kiểu chụp giật, manh mún, mạnh ai nấy làm mà thiếu sự hợp tác, thống nhất nên mặt bằng giá bị đẩy lên.
Du khách đi tour sông nước tại Bến Tre. Ảnh: TẤN THẠNH
Thường ở nước ngoài, khâu vận chuyển do các trung tâm thương mại đưa xe của họ đảm nhận để đưa khách đến mua sắm. Còn ở ta, cước xe tính theo mùa và thường do công ty du lịch đàm phán với đối tác. Còn giá khách sạn, cứ vào mùa cao điểm lại bị đẩy lên đến mức tột trần. Đã thành chuyện thường ngày khi vào dịp lễ hội, giá phòng ở các khách sạn 2 sao ở Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang tăng từ 50%-100%, khách không có sự lựa chọn nào khác.
Festival Hoa Đà Lạt 2011 vừa tổ chức mới đây, du khách phải ra tận thị trấn Liên Nghĩa của huyện Đức Trọng cách Đà Lạt 30 km để thuê phòng, dù giá cao vẫn còn hơn ở lại vật vờ giữa Đà Lạt trong cái lạnh tê người của mùa đông. Trả lời về sự khác biệt trong dịch vụ du lịch của Việt Nam, nhiều du khách nói chua chát: Đó là sự khác biệt về chất lượng phục vụ, các anh muốn đuổi khách đi một cách nhanh chóng, tạo cho khách nhớ hoài về sự nhàm chán và thiếu quan tâm khách muốn gì để đáp ứng.
Marc Antoni, một du khách đến từ Ý, cho rằng anh rất yêu Việt Nam nhưng cái cách Việt Nam làm du lịch thì chẳng thể nào yêu được bởi nhàm chán đến rập khuôn, đơn điệu. Chuyên gia của UNESCO này cho biết cách tốt nhất là cùng vài người bạn Việt Nam mà anh yêu mến tự thiết kế các chuyến đi, tự mình tìm hiểu và thích gì ăn đó, trải nghiệm thú vị hơn những món các hãng lữ hành đem lại.
Thiếu chuyên nghiệp
Cho dù chúng ta bước vào hội nhập đã lâu với thế giới bên ngoài nhưng cách làm du lịch của chúng ta vẫn còn trong “ao làng”, chưa ra “biển lớn”. Điều đó thể hiện rõ từ cách làm thiếu chuyên nghiệp, tư duy quản lý chưa có những đột phá tiến bộ.
Ở nhiều nước Đông Nam Á, ngành du lịch được hỗ trợ thiết thực bằng giảm giá vé máy bay, giá lưu trú khách sạn và liên kết tốt với các điểm mua sắm theo nguyên tắc “cùng thắng” thì du lịch Việt Nam chưa liên kết chặt chẽ với các ngành khác, sự liên kết giữa các địa phương có điểm đến du lịch đến còn lỏng lẻo.
Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể cùng nhau xây dựng một chính sách giá chung để các bên cùng hợp sức, tăng khả năng phục vụ lẫn chất lượng dịch vụ cho khách. Nếu có được sự liên kết đó, chắc chắn không thể có tình trạng du khách nước ngoài (vùng Đông Bắc Á, Nam Mỹ - nếu nói tiếng Anh không tốt) khi tới sân bay thường sẽ là những người ra sau cùng, mất nhiều thời gian để làm thủ tục visa nhập cảnh.
Điển hình cho tư duy làm du lịch thiếu chuyên nghiệp của chúng ta là quảng bá kém. Theo khảo sát năm 2011 của Công ty Visa về xu hướng du lịch toàn cầu, trong tổng số 11.620 đối tượng khảo sát chỉ có 271 khách du lịch đã đến Việt Nam trong vòng 2 năm gần đây và 338 khách du lịch dự định đến Việt Nam trong 2 năm tới. Khảo sát này cũng cho biết chỉ có Singapore, Thái Lan, Úc và Hàn Quốc là những quốc gia có khách du lịch quan tâm nhất tới Việt Nam.
Thiếu người làm du lịch
Nhiều người đã tỏ ra buồn lòng với tư duy quản lý du lịch của chúng ta sau sự kiện vịnh Hạ Long lọt vào tốp 7 kỳ quan thế giới trên trang web New 7 Wonders, tỉnh Hạ Long đã tăng giá vé tham quan du lịch lên gấp đôi và du khách phải mua vé theo từng tuyến tham quan khiến các hãng lữ hành và du khách bất bình.
Sau đó, để sửa sai, nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định miễn phí tham quan vịnh Hạ Long cho tất cả du khách trong và ngoài nước từ 23-1 đến 5-2-2012. Cũng ở tỉnh này, quyết định buộc hơn 500 con tàu phải sơn toàn màu trắng đã vấp phải sự phản ứng của nhiều phía nên sau đó đã có buổi họp thương thảo lại với các chủ tàu.
Trên nguồn tài nguyên vô giá và nhiều lợi thế tiềm tàng, người Việt nào cũng mong du lịch Việt Nam phát triển xứng tầm. Để thay đổi tư duy, phải đi từ điểm mấu chốt là con người. Chỉ có con người mới đem đến cho nhau điều thú vị và con người mới nhớ nhau, mới kéo du khách trở lại Việt Nam cũng như cũng tại con người mà chúng ta đã đẩy bao du khách một đi không trở lại.
Nản lòng vì “chuyện thường ngày”
Ông Nguyễn, một nhà báo đi tour du lịch Phú Quốc, đặt nơi nghỉ là một khách sạn lớn. Nhưng khi đến nơi, khách sạn cho khách chờ gần 2 giờ mới có phòng. Ngoài sự chậm trễ này còn thiếu lời xin lỗi từ quản lý khách sạn và nhiều phòng khi khách vào vẫn chưa thay drap mới. Chấp nhận đây là sự cố ngoài ý muốn của hãng lữ hàng, ông Nguyễn chỉ thấy buồn vì một hãng dịch vụ tên tuổi, một khách sạn tự xưng 4 sao mà hành xử như chưa có sao nào.
Ông Nguyễn cũng cho biết mình đi theo gia đình, cho các con biết đến các vùng miền của quê hương, đất nước và tự ông cung cấp thêm các kiến thức cho người nhà khi đến những địa danh, bởi chương trình của hãng nào cũng giống nhau, cũng những điểm đến cũ mòn, đơn điệu và sau bữa ăn tối thì ai về phòng nấy để… ngủ vì chẳng biết đi đâu giải trí ngoài các quán nhậu, quán cà phê và karaoke. Hầu như các địa điểm du lịch trong nước đều chung tình cảnh đó. Chưa kể nạn “chặt chém”, ăn xin chèo kéo, cảnh mất vệ sinh ở các khu du lịch. |
Kỳ tới: “Biếu” khách cho du lịch nước ngoài
Bình luận (0)