1. Trả lời phỏng vấn một tờ báo Xuân 2012, TS Udo Loersch, Tổng Giám đốc Mercedes - Benz Việt Nam (VN), nói: “Tôi muốn người Đức biết đến VN nhiều hơn nữa, thông qua đầu tư, du lịch… Nhiều người Đức vẫn còn tưởng VN đang chiến tranh. Các bạn phải làm marketing tốt hơn nữa. Chúng tôi nhìn thấy nhan nhản những khẩu hiệu của các nước Đông Nam Á… nhưng chẳng thấy quảng cáo nhiều về VN. Quảng cáo là quan trọng, không chỉ là việc chi tiền, các bạn cần có thái độ thực sự đúng đắn về việc giới thiệu mình với thế giới. Theo ý tôi, VN ít nhất cũng ngang bằng với Thái Lan về những giá trị văn hóa và lịch sử, chỉ có điều các bạn làm chưa đủ”.
2. TPHCM giáp Tết được xem như mùa đẹp nhất trong năm. Đây là lúc TPHCM tụ hội đông đúc và đẹp nhất. Đây cũng là thời gian cần phải quảng cáo nhất khi người TP và lục tỉnh chuẩn bị chơi Tết.
Tôi luôn ước ao được mang hình ảnh của công ty ra quảng cáo trên những trục đường chính của TPHCM. Đã nhiều lần lỡ hẹn, tự nhủ năm nay không thể bỏ lỡ, vậy mà rồi cũng lỡ. Tổng cục Du lịch Thái Lan đã nhanh chân giăng đầy banner quảng cáo cho Smilling Thailand 2012 và Thailand Amazing suốt đường Hàm Nghi. Nên nhớ, họ vừa bị lũ lụt hoành hành!
nhưng du khách nước ngoài ít biết do quảng bá chưa mạnh. Ảnh: HỒNG THÚY
3. Angkor Wat không những là một kiệt tác của Campuchia mà còn của cả nhân loại nên thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Tôi từng thắc mắc và hỏi ngay quan chức Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia: Tại sao du khách là người nước này lại không phải mua vé tham quan? Vị quan chức Bộ Du lịch của bạn giải thích: “Do Angkor Wat là di sản của cha ông để lại cho người dân và đất nước Campuchia nên mọi người dân đến đây tham quan đều không phải mua vé”.
Tôi chợt chạnh lòng khi nghĩ về vịnh Hạ Long của VN - một di sản văn hóa thế giới - vừa được tôn vinh là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới đã nhận ngay thông báo của chính quyền địa phương “tăng giá vé tham quan” áp dụng cho tất cả du khách đến đây! Có lẽ chúng ta cần có một tư duy quản lý ở cấp quốc gia đối với các di sản của đất nước đã được thế giới công nhận.
4. Cuối tháng 10-2011, nhân chuyến công tác sang Mỹ, hay tin có vị tổng lãnh sự mới tại San Francisco, tôi tranh thủ đến chào. Dù đăng ký đường đột nhưng khi biết tôi làm ở công ty du lịch, ông cũng sắp xếp thời gian làm việc. Ông nói rằng phát triển du lịch cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của tổng lãnh sự và rất mong các công ty du lịch từ VN cộng tác, cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời để lãnh sự quán cung cấp cho du khách Mỹ muốn tìm hiểu để đi du lịch nước ta.
Tài liệu tuyên truyền, quảng bá cho du lịch VN ở lãnh sự quán rất thiếu, ngay tại phòng cấp hộ chiếu - visa của lãnh sự quán cũng không có đủ ấn phẩm thông tin về VN cho khách tìm hiểu. Hằng tháng, tổng lãnh sự thường dự rất nhiều hoạt động ngoại giao, hội thảo nên rất cần các ấn phẩm để cung cấp, thông tin cho đại biểu. Nghe đến đây, trong trí nhớ của tôi thấp thoáng hình ảnh những ấn phẩm in đầy và cuối năm thường phải thanh lý của một cơ quan du lịch tại VN.
5. Ai cũng phục người Trung Quốc buôn bán giỏi và sự cầu kỳ của món ăn Hoa cũng là điều ghi nhận. Tuy nhiên, khi đối tác Trung Quốc sang VN, tôi thường mời họ một bữa ăn thuần Việt, chỉ là những món dân dã như bắp cải luộc chấm trứng, cá lóc, thịt heo kho tộ, canh nghêu thì là…; còn hải sản thì chủ yếu là hấp và nướng.
Vậy mà, suốt mấy năm qua, không chỉ Trung Quốc mà cả những đối tác Thái Lan, Mỹ, Nhật, Pháp, Đức mà tôi đã từng mời cứ mong muốn được ăn giống vậy.
6. Khi đi nước ngoài, hầu như ai cũng tìm phở VN tại nước đó ăn bằng được, để xem khác với “nguyên bản” thế nào. Tôi có diễm phúc được thưởng thức món “quốc hồn” VN ở nhiều quốc gia với những cảm nhận khác nhau. Cảm nhận rõ nhất là không gian bài trí các quán phở hay quán ăn VN đều cố gắng trình bày những gì được xem là đặc sắc nhất của văn hóa nước ta, cố gắng tạo cảm giác cho thực khách thưởng thức món ăn như đang ở VN. Tôi cứ ước ao giá như chúng ta triển khai được đề án “Hỗ trợ chuẩn hóa không gian văn hóa Việt cho các nhà hàng VN trên toàn thế giới trong 5 năm” thì tốt quá.
Tôi chợt nhớ trên Báo Tuổi Trẻ ngày 8-1, khi được hỏi “Nếu chọn món ăn cuối cùng để từ giã cuộc đời này, ông sẽ chọn món gì?”, “vua bếp” Yan Can Cook đã tuyên bố: “Ái chà, tôi sẽ gọi một tô phở bự và đẹp, bỏ vô đó đầy đủ các loại rau rồi ních một bữa no nê. Một khi đã đời rồi tôi sẽ thốt lời “Tạm biệt”. Cũng trên số báo này, hai tài tử điện ảnh Hàn Quốc nổi tiếng Song Seung Hun và Kim Tae Hee sang thăm VN trong những ngày đầu năm mới, khi được hỏi “Anh, chị có thử dùng món ăn VN…” đã không ngần ngại trả lời: “Tôi đã ăn một bát phở cho bữa tối hôm qua và sáng nay lại gọi thêm một bát phở nữa”.
Hai nghệ sĩ này cũng rất vui khi được tặng nón lá VN và đội ngay lên đầu. Hình ảnh chiếc nón lá VN còn nổi bật trên các tờ báo lớn thế giới trong những ngày cuối năm 2011 khi nữ diễn viên nổi tiếng Angela Jolie cùng gia đình đến thăm VN.
Như vậy, tại sao chúng ta không chọn những giá trị: ẩm thực/văn hóa thuần Việt, các nhân vật nổi tiếng thế giới... làm mũi nhọn (trên nền du lịch sinh thái biển) để tập trung quảng bá cho du lịch VN?
Khung pháp lý quan trọng Theo báo cáo của cơ quan quản lý du lịch, nhiều năm qua, VN đã ký trên 20 hiệp định với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây chính là khung pháp lý quan trọng để ngành du lịch xây dựng các chiến lược - kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch VN. Không biết chúng ta đã gắn được hơi thở cho bao nhiêu hiệp định trong số các hiệp định du lịch đã ký với các nước. Nếu bỏ lỡ thì uổng quá!
Bình luận (0)