Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 9-2 dự kiến xem xét đề nghị của Liên đoàn Ả Rập muốn có một sứ mệnh quan sát chung ở Syria khi Tổng thống Bashar al-Assad đẩy mạnh cuộc tấn công khốc liệt nhắm vào lực lượng đối lập đang đòi chấm dứt chế độ của ông.
Động thái trên diễn ra sau những gì mà Tổng Thư ký LHQ mô tả là một thất bại “thê thảm” trong tuần này của Hội đồng Bảo an khi không thể đồng thuận về một nghị quyết lên án bạo lực ở Syria và đòi ông al-Assad từ chức.
Thường dân Syria tiếp tục là nạn nhân sau cuộc bỏ phiếu bất thành của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ảnh: CNN
Theo các nhóm đối lập, lực lượng của ông al-Assad hôm thứ năm lại bắt đầu một ngày đàn áp mới với những vụ nã pháo và bắn phá các khu vực lân cận của thành phố Homs. Ông al-Assad liên tục phủ nhận việc tấn công thường dân, nói rằng các lực lượng Syria đang tập trung vào các băng nhóm có vũ trang và những tên khủng bố nước ngoài.
Từ sau khi cuộc bỏ phiếu thất bại, các nhà hoạt động đối lập đã ghi nhận hàng trăm người chết, kể cả trường hợp những người chết trên các đường phố vì họ không được chăm sóc y tế. Giao tranh cũng được báo cáo ở thành phố al-Harra phía Nam, nơi nhóm đối lập mang tên Cách mạng Syria cho biết các lực lượng an ninh đã mở một cuộc tấn công bằng súng máy và xe tăng.
Nhóm Cách mạng Syria thông báo có hơn 93 người, bao gồm 21 trẻ em, được báo cáo đã chết hôm 8-2 do đạn pháo ở Homs. Tuy nhiên, đài CNN nói họ không thể khẳng định độc lập các báo cáo thương vong ở Syria bởi chính quyền ở đây đã hạn chế nghiêm ngặt hoạt động của các nhà báo quốc tế.
Cuộc bỏ phiếu thất bại của Hội đồng Bảo an cũng làm rạn nứt quan hệ giữa các cường quốc mạnh nhất thế giới, sau khi Nga và Trung Quốc ngăn chặn nghị quyết vốn được Mỹ, LHQ, Liên hiệp châu Âu (EU) và Liên đoàn Ả Rập ủng hộ. Khi Hội đồng Bảo an rơi vào ngõ cụt, Mỹ và các quốc gia kêu gọi lập nhóm “Những người bạn của Syria Dân chủ” như một cách ủng hộ phe đối lập.
Trong khi đó, Nga dường như đang xúc tiến chiến dịch riêng chống sự can thiệp ở Syria, trong đó Tổng thống Dmitry Medvedev kêu gọi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thúc giục Mỹ và EU “tránh những bước đi đơn phương vội vã” ở Syria. Nga cũng kêu gọi đối thoại giữa chính phủ của Tổng thống al-Assad và lực lượng nổi dậy nhưng nỗ lực này đã bị phía Mỹ bác bỏ.
Vẫn có nhiều người tin rằng tình hình Syria cần đến những biện pháp mạnh hơn. Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain là một trong số đó. Ông lớn tiếng đòi vũ trang cho những người chống đối ở Syria. Trong một cuộc phỏng vấn của đài CNN, ông McCain nói “cách thức giải quyết hòa bình” đã không còn sức sống, phải cần đến những lựa chọn khác.
Ngoại trưởng Guido Westerwelle ngày 9-2 tuyên bố Đức sẽ trục xuất 4 nhà ngoại giao Syria khỏi đại sứ quán nước này tại Berlin sau vụ bắt giữ 2 nghi can làm gián điệp cho chính quyền Damascus. (TTXVN) |
Bình luận (0)