Vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng xới lên nhiều bất cập của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Thực trạng đó không phải là chưa được biết đến và không chỉ có ở Hải Phòng, như Thủ tướng Chính phủ đã nhận định tại cuộc họp kết luận vụ Tiên Lãng chiều 10-2: “Nhiều vấn đề phát sinh trong quản lý và sử dụng đất đai chưa được điều chỉnh và xử lý kịp thời; khiếu kiện về đất đai chiếm trên 70% tổng số vụ khiếu kiện và có nhiều vụ việc kéo dài”.
Tuy nhiên, để sửa được nó một cách thấu đáo thì phải bắt đầu từ quy định “Đất đai là sở hữu toàn dân” của Hiến pháp 1992. Để giải quyết vấn đề này, phải xem xét lại các khái niệm “sở hữu toàn dân”, “sở hữu Nhà nước”.
KCN Hưng Phú 1 (quận Cái Răng - TP Cần Thơ) đã được giao đất từ lâu nhưng nay vẫn chậm triển khai. Ảnh: CA LINH
Nhiều ý kiến cho rằng muốn sửa Luật Đất đai, phải sửa Hiến pháp trước. Điều đó không sai. Tuy nhiên, vụ việc Tiên Lãng đã chỉ ra rằng trong các văn bản dưới luật “vẫn còn không ít vấn đề chưa đủ rõ, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn”, nghĩa là có thể và cần sửa được ngay. Phát biểu với báo giới chiều 10-2, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết: “Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ sớm có văn bản để thông báo đến các địa phương, trong khi chưa ban hành Luật Đất đai mới, người dân hết hạn sử dụng đất sẽ “tự động” được gia hạn”. Như vậy, việc cần làm ngay là rà soát các văn bản dưới luật.
Thậm chí, Luật Đất đai có những quy định trái với Hiến pháp hiện hành, có thể đề nghị Quốc hội sửa ngay. Chẳng hạn, quy định về thời hạn, hạn điền có thể sửa được căn cứ theo điều 21 của Hiến pháp: “Kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân… không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành, nghề có lợi cho quốc kế dân sinh.
Kinh tế gia đình được khuyến khích phát triển”; quyền thu hồi đất của Nhà nước cần được chỉnh sửa vì nó đang được để ở phạm vi quá rộng, trong khi Hiến pháp không quy định cơ chế thu hồi đất (mà chỉ có cơ chế trưng thu hoặc trưng mua…). Làm tốt theo hướng này chắc chắn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khúc mắc hiện tại, tạo điều kiện thuận lợi để sửa Luật Đất đai và Hiến pháp.
Quay trở lại vấn đề sở hữu, đã có nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia rất căn cơ, sâu sắc, cần được nghiên cứu, tiếp thu, đưa vào nội dung sửa đổi Hiến pháp và Luật Đất đai. Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, “khái niệm “sở hữu toàn dân” chỉ bắt đầu có từ Hiến pháp 1980”.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng phải xác định lại các hình thức sở hữu vì “sở hữu toàn dân suy cho cùng là không của ai cả”. PGS-TS Phạm Duy Nghĩa nhìn nhận: “Khác với sở hữu toàn dân, khi xác lập sở hữu quốc gia thì chúng ta minh định được tài sản ấy là của dân tộc, có tính kế thừa từ thế hệ này đến thế hệ khác, tức là mang tính trường tồn và khi muốn sử dụng tài sản ấy thì phải có thái độ đối với các thế hệ”.
Nói cho cùng, việc sửa luật và Hiến pháp phải đứng trên quan điểm lợi ích của dân, cũng là lợi ích của Nhà nước và phải nhận thức rõ đối với nước ta, nông dân chiếm tới 70% dân số nên trước hết, phải nghĩ, phải làm cho “nông dân giàu thì nước mới mạnh”.
Chỉ được coi là hàng hóa
TS Nguyễn Sĩ Phương, CHLB Đức, cho biết: “Đất đai dù hiểu như thế nào và đóng vai trò gì đi nữa thì trong nền kinh tế thị trường cũng chỉ được coi là hàng hóa, định giá bằng tiền. Một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh không thể nào phân chia nổi đất đai hay tài sản sao cho công bằng mà chỉ có thể phân chia đồng tiền.
Nước Đức hiện đại hàng đầu thế giới, với trên 80 triệu dân cũng chỉ có 5,18 triệu nhà riêng (năm 2008), số còn lại thuê nhà nhưng không ai không có chỗ ở hay thiếu điện nước, chữa bệnh, sinh hoạt phí tối thiểu, kể cả công dân nước ngoài cư trú ở nước họ, tất cả đều xuất phát từ nền tảng chính sách tài chính, tức là tiền, chứ không phải đất”. |
Bình luận (0)