Buổi chiều, Cảng Hàng không Phù Cát (Bình Định) rất đìu hiu. Chỉ có một chuyến từ TPHCM về Phù Cát bằng máy bay ATR72 với vỏn vẹn 48 khách. Sau vài chục phút ồn ã, chỉ một lượt khách ra rồi trả lại sự tĩnh lặng vốn có của sân bay này. Ông Trần Văn Triển, Giám đốc Cảng Hàng không Phù Cát, nói rằng như thế đã là nhộn nhịp rồi. Năm 2011, lượng khách đi và đến qua cảng hàng không này đã tăng lên 220.000 lượt, còn 4 năm trước đó, con số này chỉ là 80.000 lượt/năm.
Không thể bay đêm, thời tiết xấu
Cũng theo ông Trần Văn Triển, hiện tại sân bay này còn khoảng 10 km khuôn viên tiếp giáp với các khu dân cư không có tường rào nên gia súc thỉnh thoảng “đi dạo” trên đường băng. Cách đây không lâu, nhân viên sân bay còn phát hiện cả đàn chó chạy nhảy trên đường băng khi máy bay sắp cất cánh. Sân bay không thể đáp ứng bay đêm và cất cánh, hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu vì thiết bị chuyên dụng chưa có.
Trong khi cơ sở vật chất và trang thiết bị của cảng hàng không này vẫn còn ọp ẹp thì tỉnh Bình Định lại có tầm nhìn xa hơn. “Chúng tôi đã đề nghị Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo đầu tư phát triển Cảng Hàng không Phù Cát là cảng hàng không quốc tế” - ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nói.
Đụng đâu thiếu đó
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Cảng Hàng không Cam Ranh (Khánh Hòa) hiện là một trong 5 cảng hàng không quốc tế của cả nước nhưng hiện cảng hàng không này còn thiếu đủ thứ theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO). Đó là thiếu xe chữa cháy, không có xe bơm nước cho máy bay, không có nước ngọt, đường băng xuống cấp, không quầy thu đổi ngoại tệ và không có đường bay quốc tế cố định.
Hiện Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh chỉ có 2 xe chữa cháy đủ đáp ứng chữa cháy cho các loại máy bay nhỏ, không có xe chữa cháy cho các loại máy bay lớn. Theo Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Xuất nhập cảnh Ánh Dương, đơn vị đang phối hợp với các doanh nghiệp Nga đưa du khách từ Nga sang Việt Nam qua sân bay Cam Ranh, trong mùa đông vừa qua, nhiều du khách Nga có ý định nghỉ đông tại Việt Nam, công ty dự kiến đưa khách bằng các loại máy bay lớn như Boeing 777 nhưng Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh không đủ điều kiện tiếp nhận loại máy bay này vì phương tiện chữa cháy không bảo đảm nên phải đưa khách bằng các loại máy bay nhỏ hơn.
Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh mỗi ngày tiêu tốn trung bình khoảng 100 m3 nước ngọt nhưng cảng lại không có hệ thống nước sạch. Việc sử dụng nước ngọt ở đây đang dựa vào 3 giếng khoan không bảo đảm chất lượng nguồn nước. Trong khi đó, cảng cũng không có xe chuyên dùng bơm nước ngọt theo nhu cầu của các hãng hàng không nước ngoài. Theo ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, phải sang quý III/2012, xe chữa cháy cũng như xe bơm nước ngọt mới được đưa đến Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh. “Chúng tôi đã tổ chức đấu thầu và nhà thầu hứa đến tháng 9-2012 mới cung cấp được xe chữa cháy, còn xe bơm nước thì tháng 7 tới sẽ có” - ông Thanh nói.
Muốn máy bay hạ cánh, phải xua đuổi trâu bò
Theo quan sát của chúng tôi, sân bay Chu Lai (Quảng Nam) không có tường rào che chắn xung quanh. Những năm trước, tại sân bay Chu Lai luôn diễn ra tình trạng người dân thả rông trâu bò trong khu vực sân bay, gây ảnh hưởng đến an toàn bay. Trước tình hình này, Cảng Hàng không quốc tế Chu Lai phân công cán bộ, nhân viên túc trực trong thời gian trước và sau khi máy bay hạ cánh để xua đuổi trâu bò, nhiều lúc phải huy động cả xe chữa cháy đi dọc đường băng hụ còi để trâu bò tránh xa khi máy bay cất - hạ cánh. Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Chu Lai Đinh Tấn Phước cho biết trước tình hình trên, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân quanh khu vực sân bay không thả rông trâu bò, nếu vi phạm sẽ bị thu giữ trâu bò. Nhờ vậy mà 4 năm qua tình trạng này mới giảm.
Đường dẫn vào nhà ga sân bay quốc tế Chu Lai dài 3 km, được trang bị hàng trăm ánh đèn điện chiếu sáng hai bên đường, nhưng hơn 6 năm qua, toàn bộ hệ thống đèn điện này bị tê liệt hoàn toàn khiến ban đêm con đường vào sân bay Chu Lai tối om như mực. Ông Phạm Văn Thành, Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Chu Lai, cho rằng đây cũng là vấn đề bức xúc của lãnh đạo đơn vị nhưng chưa có cách nào giải quyết.
Kỳ tới: Loay hoay tìm khách
Vay tiền để nâng cấp Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đầu tháng 2-2012, khi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Chu Lai, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để Cảng Hàng không Chu Lai mua sắm trang thiết bị, nâng cấp sân bay nhằm có thể đáp ứng việc hạ cánh của máy bay trong thời tiết xấu cũng như đáp ứng việc hạ cánh của máy bay lớn Boeing, Airbus. Ông Thu cho biết tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ Cảng Hàng không quốc tế Chu Lai vay khoảng vài chục tỉ đồng, không tính lãi để mua trang thiết bị nâng cấp sân bay này trong thời gian sớm nhất. |
Bình luận (0)