Theo NH Nhà nước, việc quản lý thị trường vàng vừa phải bảo đảm quyền lợi của người dân trong dự trữ vàng vừa có thể huy động nguồn vốn này vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo số liệu từ Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), kể từ khi thành lập (năm 1989) đến nay đã cung ứng ra thị trường hơn 19,2 triệu lượng (tương đương trên 700 tấn vàng). Nếu trừ đi số vàng xuất lậu qua biên giới, vàng dùng để sản xuất nữ trang, lượng vàng trong dân ước còn khoảng 500 tấn. Con số này phù hợp với thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới.
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT SJC, đánh giá: Nếu đề án ra đời sẽ có tác động rất lớn kìm giữ sự biến động của USD, giảm áp lực tỉ giá bởi lâu nay mỗi lần giá vàng thế giới tăng, trong nước thường tăng nhanh hơn từ 2-3 triệu đồng/lượng thì giới buôn lậu gom USD chợ đen nhập lậu vàng từ Campuchia, Thái Lan… về nước đẩy giá USD biến động. Nếu huy động được nguồn vàng trong dân, NH Nhà nước không tốn quota cho nhập khẩu vàng sẽ triệt tiêu chuyện vàng tăng giá, thị trường USD chợ đen cũng ổn định hơn.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hùng Dũng, đề án đang “vướng” vì lãi suất. Huy động rồi thì trả lãi suất như thế nào, nếu chỉ với lãi suất khoảng 2%/năm, người dân sẽ… chê thấp không gửi. Còn lãi suất cao hơn, tuy tỉ lệ không đáng kể nhưng tính số tuyệt đối với 500 tấn vàng sẽ là con số khổng lồ. Hơn nữa, số vàng sau khi huy động chưa làm gì để sinh lợi mà vẫn phải trả lãi cho người dân sẽ là gánh nặng, làm đau đầu các nhà quản lý. Do vậy cho đến nay, đề án huy động vàng vẫn đang được các nhà quản lý cân nhắc, chưa thể trình Chính phủ.
“Mấu chốt của câu chuyện huy động vàng chính là lãi suất, nếu giải quyết được vấn đề này những chuyện khác sẽ đơn giản hơn nhiều” - lãnh đạo SJC khẳng định.
Bình luận (0)