Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Ca Linh
Từ đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải tiếp tục sửa đổi để hoàn thiện Luật Đất đai.
TS Phạm Xuân Sử, Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, cho rằng các nguyên nhân bất cập về đất đai trong những năm qua là do cách hiểu và vận dụng tùy tiện khái niệm sở hữu toàn dân vốn rất mơ hồ. “Chỉ có con đường là đa sở hữu đất đai, công nhận quyền sở hữu tư nhân, sở hữu của tổ chức, sở hữu của Nhà nước, khi phân biệt rõ quyền lợi, trách nhiệm và quyền hạn của các chủ thể thì việc quản lý đất đai sẽ đi vào nề nếp” - ông Sử đề xuất.
Nhiều người cũng lo ngại rằng nếu cho sở hữu tư nhân về đất đai, cho phép tích tụ ruộng đất sẽ hình thành lớp địa chủ mới. Tuy nhiên, bạn đọc Minh Thu “mách nước”: “Khi sửa đổi Luật Đất đai, Nhà nước hãy quy định áp thuế suất thật cao với những người “gom” nhiều ruộng đất, chẳng hạn người có 1 ha đất thì thuế suất khác, người có 50 ha đất thì thuế suất khác và người dân có 500 ha đất thì mức thuế khác nữa, càng nhiều đất thuế càng cao. Vậy thì sẽ chẳng ai muốn làm “địa chủ” nữa...”.
Bỏ hạn điền, thời hạn giao đất TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, chỉ ra những bất cập của quy định về hạn điền trong Luật Đất đai. Đó là hiện nay, hạn điền cho nông dân chỉ 3 ha nhưng trên thực tế tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… nhiều nông dân huy động được vài chục đến cả trăm hecta. Chỉ có những nông dân này mới làm giàu được từ lúa, vì thế hạn điền không có lợi cho đại đa số nông dân. “Cơ chế thị trường định hướng XHCN ở nước ta còn lấn cấn ở hạn điền. Trong tiến trình sửa đổi Luật Đất đai sắp tới, nên bỏ hạn điền, đồng thời tạo điều kiện về chính sách đất đai và khuyến khích các địa phương chủ động lập công ty cổ phần nông nghiệp hoặc trang trại, lúc đó sẽ tính thuế theo thuế doanh nghiệp thì Nhà nước sẽ thu được nguồn thuế lớn, đời sống nông dân cũng sẽ khá hơn” - TS Bảnh nêu ý tưởng. Quy định về thời hạn giao đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối… 20 năm theo Luật Đất đai 1993 cũng được nhiều người đề xuất xóa bỏ. GS-TSKH Đặng Hùng Võ khẳng định: “Cần xóa bỏ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp để người chuyên làm nông nghiệp yên tâm đầu tư lớn, dài hạn, tức là giao đất lâu dài, qua đó tạo được động lực mới để phát triển kinh tế nông nghiệp”. Đề xuất của chuyên gia đầu ngành về đất đai này được rất nhiều bạn đọc đồng tình, chia sẻ.
Bình luận (0)