Trong khi dịch cúm gia cầm tiếp tục lan ra nhiều tỉnh, thành thì chủng virus chết người này đã có nhiều biến đổi gây bất lợi cho các biện pháp phòng và chữa bệnh trên gia cầm. Đáng lo hơn khi tỉ lệ tử vong do cúm A/H5N1 trên người là 100% số ca bệnh được phát hiện.
Virus kháng lại vắc-xin
Ngày 17-2, ông Hoàng Văn Năm, quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN - PTNT), cho biết từ đầu năm đến nay đã có 11 địa phương phát hiện dịch cúm gia cầm gồm: Thanh Hóa, Quảng Trị, Sóc Trăng, Hà Nam, Hải Dương, Thái Nguyên, Kiên Giang, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Hải Phòng và Quảng Nam.
Gia cầm chưa qua kiểm dịch vẫn được thoải mái mua bán, giết mổ tại Hà Nội
Đã có gần 20.000 con gia cầm, phần lớn là vịt phải tiêu hủy. Hiện dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, lan rộng ở cả 3 miền. Nếu buông lỏng quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển và buôn bán gia cầm thì nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng là rất lớn.
Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm lan rộng, hôm nay (18-2) Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm sẽ có cuộc họp khẩn bàn biện pháp đối phó. Trong khi đó, ngày 17-2 ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT, cho biết bộ đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngân sách Nhà nước cấp 13 tỉ đồng mua 50 triệu liều vắc- xin H5N1 chủng Re-5 tiêm phòng đợt 1- 2012 để kịp thời bao vây, dập dịch.
Theo ông Tần, năm 2012 dự báo sẽ cần 327 triệu liều vắc-xin tiêm cho gia cầm, tuy nhiên do virus cúm gia cầm ở các tỉnh phía Bắc có sự biến đổi, vắc-xin H5N1 chủng Re-5 có mức độ bảo hộ không cao. Trong khi đó, tại các tỉnh phía Nam, virus cúm gia cầm chưa có biến đổi nên vẫn sử dụng loại vắc-xin H5N1 nhập khẩu từ Trung Quốc, vì thế trước mắt xin nhập khẩu 50 triệu liều.
Nguy cơ lây sang người rất lớn
Theo giới chuyên môn, việc virus cúm gia cầm biến đổi gien có thể sẽ là nguyên nhân khiến việc giám sát dịch trở nên khó khăn hơn. Đại diện Cục Thú y cho biết trước đây, Việt Nam có 3 nhánh virus H5N1 đã được phát hiện. Nhánh 1 ở phía Nam, nhánh 2.3.4 ở phía Bắc và nhánh 7 có khả năng lây bệnh cho người rất cao.
Tuy nhiên, gần đây tại các tỉnh phía Bắc, phát hiện một nhánh virus cúm gia cầm mới, ký hiệu là nhánh 2.3.2. Đáng lo ngại hơn, đã phát hiện sự phân nhánh virus 2.3.2 thành 2 nhóm. Với nhóm virus cũ, vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm chỉ đáp ứng được 75%, còn nhóm virus mới, vắc-xin đang sử dụng hiện nay không có tác dụng. Do vậy, nguy cơ lây lan virus trong gia cầm và sang người là rất lớn. Điều nguy hiểm hơn là cơ quan chuyên môn tiếp tục phát hiện trên các đàn thủy cầm đang nuôi, bán tại nhiều nơi tuy không có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh nhưng vẫn mang virus H5N1.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, lo ngại với thời tiết khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho virus cúm phát triển mạnh. Hơn nữa, với nhiều loại virus cúm mùa thông thường như cúm B, cúm A/H1N1, H3N1, H5N1… có mặt thì nguy cơ các chủng virus cúm này kết hợp với nhau hoặc biến chủng tạo nên virus cúm mới có độc lực cao nguy hiểm hơn là rất lớn. Hiện các loại vắc-xin phòng cúm đang được sử dụng tại Việt Nam mới chỉ phòng bệnh cúm thông thường như cúm A (H3N1, H3N2, H1N1) và chưa có vắc-xin phòng cúm A/H5N1 trên người. Tỉ lệ tử vong 100% Theo TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm A/H5N1 lây từ gia cầm, thủy cầm nhiễm virus cúm A/H5N1 sang người là virus có độc lực mạnh, tỉ lệ tử vong rất cao. Tại thời điểm này, tỉ lệ tử vong do cúm A/H5N1 trên người là 100% trong số ca bệnh được phát hiện. Hai trường hợp mắc đều đã tử vong mặc dù bệnh nhân được điều trị thuốc kháng virus. |
Bình luận (0)