Anh Bùi Lê Ấn Lĩnh (giữa) trình bày bức xúc với phóng viên Báo Người Lao Động. Ảnh: Bảo Nghi
Sa thải vì dám góp ý
Ngày 1-12-2010, anh Lĩnh ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn 2 năm với Công ty Cát Mộc (quận 10-TPHCM). Do công ty không đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên anh Lĩnh đã nhiều lần kiến nghị nhưng không được giải quyết. Ngày 23-12-2011, một nhân viên trong công ty có viết bài trên bản tin nội bộ của công ty với nội dung không đúng sự thật về những gì đang diễn ra ở công ty nên anh Lĩnh viết phản hồi, chỉ rõ những tồn tại của công ty như thực hiện HĐLĐ chưa đúng, tiền lương trả không đúng thỏa thuận… Sau đó, anh Lĩnh nhận được quyết định tạm đình chỉ công việc. Tiếp đến, ngày 6-1, anh Lĩnh nhận quyết định sa thải với nội dung: “Theo kết quả phiên họp xử lý kỷ luật ngày 3-1, công ty kết luận trong thời gian làm việc, anh Lĩnh đã có những hành vi gây rối, kích động nhân viên, phản ánh không đúng sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ trong công ty…”. Anh Lĩnh cho biết anh không hề tham dự phiên họp xử lý kỷ luật ngày 3-1, cũng không được trình bày quan điểm liên quan đến việc sa thải.
Ngày 13-2, chúng tôi liên lạc với ông Châu Phạm Phước Hoài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cát Mộc và được ông Hoài trả lời: Công ty sa thải người lao động (NLĐ) đều có lập biên bản, có tổ chức họp kỷ luật và NLĐ đã ký vào biên bản xử lý kỷ luật. Thế nhưng, ông Hoài cho rằng vì đấy là những văn bản mật của công ty nên không thể cung cấp. Khi chúng tôi cho rằng đấy là chứng cứ để trả lời khiếu nại cho NLĐ thì ông Hoài hứa sẽ cung cấp đầy đủ. Tuy vậy, đến nay vẫn không thấy. Đáng nói là không chỉ anh Lĩnh mà còn có chị Nguyễn Thị Cẩm Linh, anh Viên Tiến Đức, chị Bùi Ngọc Huyền… cũng không được công ty đóng BHXH, BHYT và sa thải vô cớ.
Vô cớ cho nghỉ, không trả lương
Trường hợp của anh Hồ Như Ý và Nguyễn Văn Niềm, công nhân Công ty CP Lợi Hoàng Hà (quận Bình Thạnh-TPHCM) còn khốn khổ hơn. Ngày 6-7-2011, hai anh ký HĐLĐ với nội dung như sau: Thời hạn hợp đồng là 12 tháng; địa điểm làm việc tại công trình Danga Bay, TP Johor Bahru, Malaysia; chức danh chuyên môn là công nhân lái cẩu, sửa chữa, phụ cẩu; mức lương hơn 16 triệu đồng/tháng cộng với phụ cấp tiền cơm.
Ngày 14-11-2011, các anh xin nghỉ phép để về Việt Nam thăm gia đình và được công ty đồng ý. Tuy nhiên, khi về đến Việt Nam, các anh lại được công ty thông báo chấm dứt HĐLĐ. Đến nay, công ty vẫn còn nợ tiền lương của hai anh với tổng số tiền là 275 triệu đồng. “Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc nhưng công ty lẩn tránh, không giải quyết”- anh Hồ Như Ý bức xúc.
Ngày 7-2, chúng tôi liên lạc với công ty thì được một nhân viên tên Trang ở bộ phận kế toán trả lời: “Sẽ báo cáo lãnh đạo và sẽ liên lạc lại sau”. Thế nhưng đến nay vẫn không thấy công ty phản hồi. “Hiện chúng tôi rất khó khăn vì đi làm mấy tháng trời mà không có lương. Mong cơ quan chức năng sớm can thiệp để tôi được nhận lương”- anh Niềm khẩn thiết đề nghị.
Trích nộp BHXH tùy tiện
Anh Lê Hữu Út, ngụ ở quận Tân Phú-TPHCM phản ánh từ tháng 10-2003 đến tháng 9-2011, anh làm việc cho Công ty TNHH Tuyết Sơn (KCN Tân Bình-TPHCM). Trong HĐLĐ ghi mức lương là 2,3 triệu đồng nhưng trong sổ BHXH, công ty chỉ đóng với mức lương 1,6 triệu đồng. “Nếu công ty đã đóng tiền BHXH cho tôi trên mức lương là 1,6 triệu đồng thì hằng tháng chỉ trừ khoảng 140.000 đồng, đằng này lại trừ tiền của tôi tới 242.420 đồng. Công ty làm như vậy, tôi vừa bị mất tiền oan vừa thiệt thòi về các chế độ BHXH sau này. Công ty có rất nhiều lao động chứ đâu phải chỉ một mình tôi…”- anh Út ấm ức.
Luật sư Nguyễn Thị Anh Đào, Trưởng Văn phòng Luật sư Công đoàn: Hỗ trợ pháp lý để NLĐ khởi kiện Một trong những yếu tố để doanh nghiệp ổn định, phát triển là phải chăm lo cho nguồn nhân lực; trong đó trước tiên phải thực hiện đúng chế độ, chính sách về HĐLĐ, tiền lương, BHXH… Nếu doanh nghiệp cố ý xâm phạm quyền lợi NLĐ bất kể vì lý do gì thì cũng khó chấp nhận. Đối với các hành vi vi phạm nêu trên, NLĐ đều có thể kiện ra tòa để được giải quyết quyền lợi. Văn phòng Luật sư Công đoàn sẵn sàng hỗ trợ pháp lý để NLĐ khởi kiện. |
Bình luận (0)