Theo dự thảo ban đầu của luật này, chỉ có túi màng mỏng PE sử dụng tại các siêu thị bị đánh thuế nhưng theo Luật Thuế BVMT và các thông tư, nghị định ban hành sau đó thì lại khác. Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 8-8-2011 của Chính phủ và Thông tư 152/2011/TT-BTC ngày 11-11-2011 của Bộ Tài chính quy định: “Túi ni lông thuộc diện chịu thuế (túi nhựa xốp) là loại túi, bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường”. Định nghĩa này quá chung chung, gần như bao gồm hầu hết sản phẩm nhựa, đẩy các DN nhựa vào thế khó khi phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu không phải chịu thuế bảo vệ môi trường. Đã có nhiều DN nhựa lớn tại TPHCM chuyên cung cấp bao bì nhựa cho DN ngành phân bón, hóa mỹ phẩm... có nguy cơ mất khách hàng do khách hàng sẽ chuyển sang nhập khẩu bao bì nhựa để không phải chia sẻ khoản thuế bảo vệ môi trường.
Theo một số chuyên gia về thuế, cũng do Luật Thuế BVMT chưa rõ ràng nên hiện tại không ít DN ngành nhựa đang được hưởng lợi. Trong khi luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này còn chưa cụ thể, cơ quan thuế tạm thời chưa thu thuế môi trường thì các DN sản xuất túi ni lông đã được hưởng một khoản lợi lớn. Đó là từ thời điểm luật thuế này có hiệu lực (1-1-2012), giá các mặt hàng túi ni lông trên thị trường đồng loạt tăng thêm 35.000 đồng – 40.000 đồng/kg, ở mức 75.000 đồng – 80.000 đồng/kg. Nay cơ quan thuế chưa thu khoản thuế này, giá túi ni lông giảm trở lại nhưng vẫn ở mức khá cao. Khoảng chênh lệch so với giá bán trước thời điểm Luật Thuế BVMT có hiệu lực dĩ nhiên vào túi DN.
Bình luận (0)