Những gương mặt sáng tác trẻ được tôn vinh tại Bài hát Việt 2011. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Hai xu hướng trái chiều
Nhạc sĩ Quốc Trung thừa nhận: “Điều chúng ta đang nhìn thấy là hoạt động âm nhạc Việt Nam đã xuất hiện một lớp nhạc sĩ trẻ mới có khả năng tiếp cận với nền công nghiệp âm nhạc thế giới. Đa dạng và rõ ràng về phong cách, những tác giả trẻ này còn tự hòa âm phối khí và trình bày ca khúc của mình. Những tác phẩm âm nhạc của họ định hình phong cách, mang cá tính âm nhạc một cách hoàn chỉnh và rõ ràng hơn cùng với những lời ca sâu sắc”.
Giới chuyên môn ghi nhận trong hoạt động âm nhạc Việt Nam đã xuất hiện một lượng lớn tác giả trẻ với những sản phẩm âm nhạc được đánh giá cao về chuyên môn, như: Lê Cát Trọng Lý, Sa Huỳnh, Dương Cầm, Thành Vương, Tạ Quang Thắng, Thái Trinh, Hoàng Thùy Diễm, Đức Tâm… Bên cạnh đó, thị trường âm nhạc đậm chất giải trí thực sự “sốt” bởi những cái tên Nguyễn Hải Phong, Thanh Tâm, Nguyễn Dân, Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Đức Cường, Khắc Việt… với lượng lớn ca khúc do họ sáng tác trở thành những ca khúc ăn khách trên thị trường âm nhạc thời gian qua.
Tuy nhiên, điều dễ dàng nhận thấy là những tác giả trẻ được nhắc đến nhiều trong hoạt động âm nhạc hiện nay đang hình thành hai xu hướng sáng tác riêng biệt. Một bên là những ca khúc sáng tạo cả về chủ đề, ý tưởng lẫn phong cách âm nhạc, được giới chuyên môn đánh giá cao, bởi sự thể nghiệm mang tính hiện đại. Thế nhưng, do thể nghiệm hoàn toàn mang tính cá nhân nên yếu tố khán giả trong những sáng tác này bị bỏ quên. Chính vì vậy, dù được xem là “ngày càng rút ngắn khoảng cách giữa sáng tạo nghệ thuật với đời sống thị trường” như nhận định của nhạc sĩ Quốc Trung nhưng xem ra những sản phẩm âm nhạc này vẫn còn cần nhiều thời gian để có thể đến được với công chúng rộng rãi. Minh chứng rõ nét cho loại này là những ca khúc được tôn vinh tại sân chơi Bài hát Việt.
Trong khi đó, với những tác giả theo xu hướng thứ hai, những người sáng tác đi từ chính nhu cầu của thị trường âm nhạc, hướng đến công chúng trẻ nên dễ dàng tạo “sốt” cho những tác phẩm âm nhạc của họ khi ra mắt công chúng. Thật khó để có thể định giá hay, dở cho những ca khúc theo dạng này khi chúng thường không tham gia tranh tài để được thẩm định chất lượng bởi một bộ phận giám khảo chuyên môn nào đấy nhưng lại rất được khán giả trẻ yêu thích. Tất nhiên, vì là nhạc thị trường phục vụ nhu cầu của khán giả nên những tác phẩm dạng này dù có ăn khách ngay từ khi ra mắt vẫn nhanh chóng bị lãng quên theo nguyên tắc “lớp sóng sau chồm lên lớp sóng trước”, bởi có quá nhiều ca khúc mới được sáng tạo theo xu hướng này ra đời một cách dồn dập.
Dung hòa: Bài toán khó ?
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng dù Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Dân, Lê Cát Trọng Lý, Thanh Tâm, Nguyễn Đức Cường,… là những cây viết trẻ có sản phẩm âm nhạc được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng “thử đem những sáng tác của họ ra khỏi đời sống đô thị thì liệu có ai nghe hay không? Đó là một thực tế và cũng là vấn đề rất nan giải”.
Ngược lại, những tác phẩm có mặt trên thị trường giải trí của các tác giả: Khắc Việt, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Hồng Thuận… thì lại không xuất sắc theo góc độ chuyên môn, bởi sự nhạt nhẽo, nhàm chán từ giai điệu đến ca từ, như nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện.
Nhạc sĩ Lê Quang chia sẻ: “Nghĩ gì viết nấy, những tác phẩm của những người sáng tác trẻ đang được giới chuyên môn ghi nhận đều là những rung động thực sự của bản thân họ với một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Với những người làm nghề như tôi, không khó để cảm nhận được cảm xúc của người viết nhưng với khán giả, để tìm được sự đồng cảm lại là một vấn đề khó khăn, bởi tác phẩm của họ quá thiên về yếu tố cá nhân. Đó chính là lý do dù được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng rất ít tác giả trong số này lại có thể tạo dựng được tên tuổi của mình trong lòng công chúng. Với tôi, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào vấn đề kinh nghiệm và bản lĩnh. Một nghệ sĩ có thể sáng tạo bằng tư tưởng của chính mình nhưng cũng phải biết nắm bắt thị trường để dung hòa yếu tố cá nhân với nhu cầu của khán giả, cho ra đời những tác phẩm chất lượng, ăn khách”.
Nhìn một góc độ khác, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng vấn đề đang nằm ở chỗ là thế hệ sáng tác mới của chúng ta hiện nay quá nhanh nhạy trong tiếp nhận cái mới của nền công nghiệp âm nhạc thế giới. Điều này vô tình tạo nên sự cách biệt quá lớn với thẩm mỹ thưởng thức âm nhạc của đại đa số khán giả nhạc Việt. Lý giải thêm, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng thế hệ nhạc sĩ trước đây luôn có những ca khúc vừa ăn khách vừa có giá trị bền lâu bởi lẽ tất cả những gì đầu tư cho ca khúc, từ phong cách âm nhạc, lời ca… đều bắt nguồn từ điểm chung nhất trong cảm xúc của cộng đồng. Điều đó dễ dàng giúp ca khúc đi vào lòng người hơn.
Bình luận (0)