Nhạc sĩ Hoàng Dương, tác giả của ca khúc Hướng về Hà Nội, chia sẻ rằng không hạnh phúc nào bằng đối với nhạc sĩ khi đứa con tinh thần của mình được đông đảo khán giả lắng nghe, đồng cảm, âm nhạc của nó được vang lên ở mọi nơi. Nhưng niềm hạnh phúc ấy khó trở thành hiện thực bởi mức giá phí tác quyền đưa ra quá cao của Trung tâm Bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khiến người sử dụng không muốn khai thác.
Tác giả tự quyết
Để có thể sử dụng được với giá bản quyền hợp lý, một số nhà tổ chức biểu diễn đã trực tiếp làm việc với nhạc sĩ hay người sở hữu tác phẩm như trường hợp nhạc sĩ Hoàng Vân và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ Hoàng Vân cho biết ông không ký vào đơn kiến nghị về bản quyền gửi lên Cục Nghệ thuật Biểu diễn bởi những người sử dụng tác phẩm của ông đều rất sòng phẳng, họ đều tới nhà xin phép và trả tác quyền đàng hoàng.
từng bị ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cho là trái cả đạo lý và pháp lý (Ảnh chụp ngày 29-2)
Vì không biết hợp đồng mua bán này nên VCPMC đã ký kết hợp đồng cho phép Công ty Mediamax, đơn vị tổ chức đêm nhạc Ru tình, sắp diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội (Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp giấy phép ngày 19-12-2011), sử dụng bản quyền một số ca khúc nhạc Trịnh. Việc tranh chấp bản quyền giữa bà Trịnh Vĩnh Trinh với Công ty Mediamax là do đơn vị này không ký hợp đồng sử dụng tác quyền nhạc Trịnh với gia đình bà.
Ông Phó Đức Phương gọi đây là “thực tế đáng buồn” và cho rằng điều này gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động của VCPMC, đồng thời vô tình giúp các nhà tổ chức biểu diễn né tránh việc thực hiện nghĩa vụ tác quyền đối với VCPMC vì đã chi trả trực tiếp cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, trong khi thực tế số tiền mà nhà tổ chức biểu diễn trả chỉ mang tính chất tượng trưng, thấp hơn nhiều so với số tiền phải trả khi sử dụng tác phẩm.
Tại sao chỉ có VCPMC?
NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, cho biết từ lâu, nhà hát này đã trả tiền trực tiếp cho các tác giả trong những chương trình của mình. Theo ông, biểu giá của VCPMC không dựa trên cơ sở nào, rất bất hợp lý nên cần có những trung tâm bản quyền để tránh tình trạng độc quyền.
Chính vì không phục cách làm của VCPMC, NSND Trần Bình cùng một số nhạc sĩ, nhà tổ chức biểu diễn đã nuôi ý tưởng thành lập một trung tâm bản quyền khác, với mô hình rộng hơn, đó là bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung chứ không chỉ là âm nhạc.
Ông Bình cho biết thêm ông nhận được rất nhiều ủng hộ của các nhạc sĩ trẻ, những người mong muốn có sự chính xác, công bằng và rành mạch trong thu chi. Hiện đề án thành lập trung tâm đang được hoàn thành để trình các cơ quan có thẩm quyền. Ông Bình khẳng định sẽ có các trung tâm bản quyền ra đời theo mô hình hoạt động của nước ngoài. Đó là hướng đi tối ưu cho việc bảo vệ quyền tác giả trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt khi VCPMC bị quá nhiều người kêu ca về cách làm việc không mấy hiệu quả của mình.
Quản lý bản quyền cần chuyên nghiệp Quản lý tập thể là một hình thức quản lý bản quyền tiến bộ đang được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hình thức này không chỉ giúp tác giả quản lý tốt hơn tác quyền của mình và giúp người sử dụng, khai thác tác quyền được thuận lợi và tiện ích. Tất nhiên, cách làm ở các nước không cào bằng và tự định giá theo chủ quan trong lợi thế độc quyền như cách làm của VCPMC. Thường ở các nước, khi ủy quyền cho các tổ chức quản lý tập thể, mỗi tác giả tự đánh giá mức độ giá trị khai thác kinh doanh của từng tác phẩm để định ra từng mức phí tác quyền cho phù hợp (sẽ có bộ phận tư vấn giúp tác giả). Nếu định giá không đúng, tác giả có thể bị thiệt hại hoặc phí tác quyền bị thấp so với thực tế khai thác tác phẩm hoặc không có ai sử dụng tác phẩm vì giá quá cao. Vì vậy, cùng tác giả nhưng mỗi ca khúc lại có giá bản quyền khác nhau. Cách làm này cũng khuyến khích tác giả sáng tác được nhiều ca khúc “ăn khách”, có hiệu quả khai thác kinh doanh cao. Các tổ chức quản lý tập thể tác quyền cũng phải làm việc cật lực để chứng minh được hiệu suất kinh doanh của người sử dụng, khai thác tác phẩm để không làm thiệt hại lợi ích hợp pháp của tác giả và phương hại đến lợi ích của người khai thác, sử dụng bản quyền.
Bình luận (0)