CHDCND Triều Tiên hôm 29-2 đã thông báo sẽ tạm ngưng thử vũ khí hạt nhân và làm giàu uranium, đồng thời cho phép các thanh sát viên quốc tế vào giám sát các hoạt động tại khu liên hợp hạt nhân chính của nước này. Thông báo gây kinh ngạc đó làm tăng khả năng chấm dứt thế bế tắc ngoại giao đã kéo dài nhiều năm nay.
Ông Kim Jong-un gặp gỡ các chỉ huy quân đội tại một căn cứ ở vùng Tây Nam hồi tháng 2. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Với tuyên bố của Triều Tiên, Mỹ và các nước đang theo dõi sát để xem liệu nhà lãnh đạo mới Kim Jong-un có sự thay đổi nào về thái độ sau khi ông Kim Jong-il qua đời hay không. Bởi chỉ mới vài ngày trước đây, ông Kim đã có một bài diễn văn với giọng điệu cứng rắn, cho thấy ông có thể dùng đến hành động quân sự chống Hàn Quốc sau khi đã củng cố quyền lực.
Các nhà phân tích đưa ra những ý kiến khác nhau để giải thích lý do chính phủ của ông Kim đồng ý cho phép các thanh sát viên quay trở lại nước này. Tuy nhiên, hầu hết cho rằng hành động đó có thể là một sự nhượng bộ đáng kể. Sau nhiều năm thương thảo, Triều Tiên đã trục xuất các thanh sát viên và rồi tiếp tục thử hạt nhân năm 2006 và 2009. Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng nước này có đủ nhiên liệu để chế tạo từ 6 đến 8 vũ khí hạt nhân nhưng những tiến bộ của chương trình làm giàu uranium bí mật gần đây tại khu liên hợp hạt nhân Yongbyon vẫn không rõ ràng.
Như một phần của thỏa thuận, Mỹ cho biết sẽ gửi khoảng 265.000 tấn lương thực cho Bình Nhưỡng. Các nhà phân tích nói thỏa thuận cho phép ông Kim Jong-un chứng tỏ quyền thống lĩnh và dành những tháng đầu tiên trên cương vị lãnh đạo để chăm lo cải thiện đời sống nhân dân sau nhiều năm thiếu hụt lương thực.
Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Mỹ đã “chuẩn bị các bước đi xa hơn nhằm cải thiện quan hệ song phương trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau vì chủ quyền và sự bình đẳng”, đồng thời cho phép tiến hành các hoạt động trao đổi về văn hóa, giáo dục và thể thao với Triều Tiên.
Cho là còn quá sớm để kết luận về mục đích của ông Kim Jong-un nhưng các quan chức Mỹ nói không có gì để nghi ngờ rằng ông Kim đã trực tiếp cho phép các nhà thương thuyết của ông đi đến thỏa thuận mà Mỹ đã lần đầu tiên đề nghị hồi tháng 7 năm ngoái.
Thế giới hoan nghênh Phản ứng trước tuyên bố của Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng quyết định của Triều Tiên là “hành động nhún nhường đầu tiên” sau sự ra đi của nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Hàn Quốc hoan nghênh thỏa thuận này và mong thỏa thuận sẽ được thực hiện một cách trung thực. Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho biết thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên là “bước đi quan trọng” để tiến tới giải quyết các mối quan ngại liên quan đến Bình Nhưỡng và đòi hỏi cần có hành động cụ thể. Liên minh châu Âu, Nga và Trung Quốc cũng lên tiếng hoan nghênh quyết định trên của Triều Tiên. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng Bình Nhưỡng sẽ thực hiện cam kết của mình nhằm hướng tới “một tiến trình phi hạt nhân hóa đáng tin cậy trên bán đảo Triều Tiên”.
Bình luận (0)