xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đà Nẵng hạn chế nhập cư: Chưa thể hiện ý chí người dân

Thế Kha

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho biết ông nhận được nhiều lời phàn nàn của người dân Đà Nẵng về việc chính quyền TP không điều tra ý kiến của họ trước khi ban hành nghị quyết tạm dừng nhập cư

img
Theo Nghị quyết 23 của HĐND TP Đà Nẵng, những công nhân đang tìm việc tại Đà Nẵng khó có thể nhập khẩu vào nội thị TP này. Ảnh: Hoàng Dũng
Sau khi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) tổng hợp ý kiến của các chuyên gia pháp luật, cơ quan liên quan cho rằng Nghị quyết 23/2011/NQ-HĐND của HĐND TP Đà Nẵng có nội dung trái luật, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã đưa vấn đề ra bàn thảo. Tuy nhiên, đến chiều 2-3, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cho biết Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về tính pháp lý của nghị quyết trên. “Khi xây dựng và ban hành Nghị quyết 23, TP Đà Nẵng đã không xin ý kiến đóng góp của Bộ Tư pháp” - ông Sơn cho biết.

Cần rút kinh nghiệm

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Hậu nói ông nhận được nhiều lời phàn nàn của người dân Đà Nẵng về việc chính quyền TP không tiến hành điều tra ý kiến của họ trước khi ban hành nghị quyết tạm dừng nhập cư. “Hiến pháp quy định người dân có quyền tự do cư trú và đi lại trong phạm vi lãnh thổ. Dân số ở khu vực trung tâm Đà Nẵng chỉ bằng một phần của Hà Nội và TPHCM. Nếu có thể dễ dàng ra một văn bản siết nhập cư như thế thì chính quyền hai TP lớn nhất nước đã làm từ rất lâu rồi” - luật sư Hậu nói.

Theo ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp, chính quyền địa phương hoàn toàn có thể đưa ra các biện pháp tổ chức, phân bổ dân cư trên địa bàn sao cho hợp lý. Tuy nhiên, trước khi ban hành một nghị quyết có ảnh hưởng lớn tới người dân, lẽ ra TP Đà Nẵng nên có văn bản tham khảo ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan, mà ở đây là Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ. Đồng thời, TP Đà Nẵng cũng cần có những khảo sát, điều tra ý kiến của người dân địa phương xung quanh quyết định này. “Không nên mặc định hiểu việc tạm dừng đăng ký nhập cư vào trung tâm TP của Đà Nẵng làm ảnh hưởng tới quyền tự do cư trú của người dân vì tự do cư trú cũng phải trong khuôn khổ pháp luật. Chính quyền TP Đà Nẵng có quyền đưa ra những biện pháp nhưng cần hợp lý. Tôi cho rằng TP Đà Nẵng cần phải rút kinh nghiệm qua vụ việc này” - ông Lộc nói.

Quốc hội sẽ xem xét

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng người dân được làm những điều pháp luật không cấm. Luật Cư trú đã quy định: Người nào có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú tại TP đó liên tục từ 1 năm trở lên; trường hợp có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ mà người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản thì đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú tại TP trực thuộc Trung ương. Khi ấy, người đó có quyền làm hồ sơ gửi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (công an cấp huyện/quận/thị xã) để yêu cầu giải quyết hợp lệ và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành các công việc và thủ tục cần thiết để hoàn thành việc cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ.

Theo luật sư Hậu, quy định của TP Đà Nẵng thể hiện việc chính quyền nơi đây đã bí bách trước việc tìm các giải pháp cho bài toán ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện, trường học, ô nhiễm môi trường… trong tương lai. “Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, của dân do dân và vì dân. Pháp luật phải là thượng tôn. HĐND TP Đà Nẵng đã quyết định một vấn đề chưa thể hiện được ý chí và nguyện vọng của người dân nơi đây” - ông Hậu nhận định.

Về việc TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến về một số nội dung trong Nghị quyết 23, ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết các thành viên cơ quan này sẽ xem xét nội dung Nghị quyết 23 trước khi đưa ra ý kiến gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, dưới góc độ cá nhân, ông Luyến cho rằng Nghị quyết 23 có nội dung không phù hợp với Luật Cư trú và một số quy định liên quan.

Sở Tư pháp TP Đà Nẵng bất nhất (?)

Sau khi HĐND TP Đà Nẵng ban hành Nghị quyết 23 gây xôn xao dư luận, TS Lê Hồng Sơn đã ký văn bản gửi Sở Tư pháp TP Đà Nẵng yêu cầu nêu rõ quan điểm về 4 vấn đề: Tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ, không có nghề nghiệp ổn định; từ năm 2012, nghiêm cấm việc chuyển nhượng chung cư cho người khác, nếu vi phạm sẽ bị cưỡng chế thu hồi; đối với học sinh chưa đủ tuổi theo quy định đi xe máy thì xử phạt nặng và tạm giữ xe 60 ngày; tạm dừng đăng ký với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Tuy nhiên, trong văn bản trả lời Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật hôm 22-2, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng khẳng định các nội dung được đưa ra trao đổi, thảo luận theo công văn của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật “không nằm trong dự thảo nghị quyết được Sở Tư pháp thẩm định trước đó”. Đến khi trả lời báo chí ngày 1-3, ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, lại cho rằng Nghị quyết 23 chỉ có một nội dung không hợp lý là quy định tạm giữ xe 60 ngày đối với học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo