Tổ hợp hạt nhân Yongbyon với tháp làm lạnh (x) trước khi bị phá hủy năm 2008 (Ảnh: AP)
Hôm 1-3, trả lời phỏng vấn trên tờ Chosun Ilbo, một quan chức chính phủ Hàn Quốc nói: “Rõ ràng Triều Tiên có một cơ sở làm giàu Uranium khác ngoài nhà máy Yongbyon. Triều Tiên chỉ sử dụng nhà máy Yongbyon làm bình phong mà thôi”.
Cả Hàn Quốc và Mỹ đều cho rằng đây chính là lý do trong các cuộc đàm phán với Mỹ, Triều Tiên dễ dàng chấp thuận cho phép các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tới kiểm tra nhà máy làm giàu uranium đầu tiên của nước này ở cơ sở hạt nhân Yongbyon, để đổi lấy việc nối lại các hoạt động viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
Theo các chuyên gia phân tích, Triều Tiên đã từng sử dụng plutonium chiết xuất từ lò phản ứng công suất 5 MW hiện không còn hoạt động tại Yongbyon, để mặc cả trong các cuộc đàm phán với Mỹ vào những năm 1990.
Vào ngày 29-2, theo thỏa thuận đạt được tại cuộc hội đàm Mỹ-Triều Tiên, Triều Tiên đã tuyên bố tạm ngừng các hoạt động hạt nhân của nước này, bao gồm việc ngừng các thử nghiệm hạt nhân, phóng tên lửa tầm xa và làm giàu uranium tại cơ sở Yongbyon nhằm đổi lấy viện trợ lương thực của Mỹ. Tuy nhiên, tình hình giữa hai miền bán đảo Triều Tiên vẫn không bớt căng thẳng.
Ngày 2-3, Triều Tiên một lần nữa lặp lại lời cảnh báo phát động chiến tranh nhằm vào Hàn Quốc, qua đó ám chỉ rằng quan hệ giữa hai miền sẽ vẫn "băng giá".
Ông Cheong Wa Dae, một quan chức cấp cao của Hàn Quốc, cho biết: “Vấn đề bí mật làm giàu uranium của Triều Tiên cần phải được làm rõ. Bình Nhưỡng phải hoàn toàn từ bỏ chương trình hạt nhân của mình thì Seoul mới chấp nhận viện trợ hoàn toàn”.
Theo Hàn Quốc, vấn đề này phải mang ra vòng đàm phán 6 bên.
Theo kế hoạch, tháng 4 tới đây, Bình Nhưỡng sẽ để các chuyên gia IAEA tiếp cận kiểm tra Yongbyon.
Bình luận (0)