Giữa tháng 2 vừa qua, người dân TP Tuy Hòa - Phú Yên ngạc nhiên khi thấy 4 lão ngư, trên dưới 70 tuổi, lúi húi ngoài trời nắng để dựng lên một căn chòi nơi cửa biển.
Nhiều người cho rằng đấy là những lão ngư “gàn” nhưng chính nhờ cái “gàn” ấy, mỗi ngày có gần 100 con tàu ra vào cửa biển Đà Rằng được an toàn.
“Gàn” vì trách nhiệm
Bốn lão “gàn” ấy là các ông Trần Đình Thống (SN 1930), Phan Thuẫn (SN 1945), Phạm Đạn (SN 1948) và Trần Kim Hoa (SN 1949), tất cả đều ở phường 6, TP Tuy Hòa. Họ từng một thời đạp sóng ra khơi, là những người đầu tiên đưa nghề câu cá ngừ đại dương vào Việt Nam.
Nói về cái “gàn” của mình, ông Trần Đình Thống khề khà: “Ngày trước, anh em tôi không thua ai trên biển, lẽ nào giờ đứng nhìn tàu thuyền con cháu mình bị chìm, bị mắc cạn vì cửa biển bồi lấp?”.
Trạm hoa tiêu của những lão “gàn”
Trong tổng số hơn 700 tàu đánh bắt xa bờ ở phường 6 và Đông Tác (TP Tuy Hòa), chỉ tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay, đã có 3 chiếc bị mắc cạn, bị đắm tại cửa biển Đà Rằng. Hàng trăm lượt tàu cá khác phải chịu kẹt ở bến vì không dám ra khơi.
Hơn nửa năm nay, cửa biển Đà Rằng bị bồi lấp, chỉ còn một lạch nhỏ đủ cho một tàu ra vào, chỉ cần sơ suất nhỏ, thuyền trưởng sẽ đưa tàu đến chỗ mắc cạn, bị sóng đánh chìm.
“Trong cuộc họp về vấn đề này vào đầu tháng 2-2012, nhiều ngư dân khẩn thiết yêu cầu phải làm sao chứ nếu không những làng chài ở đây đói hết. Vì vậy, chúng tôi tập hợp anh em có nhiều kinh nghiệm đi biển bàn tính, dựng lên trạm hoa tiêu này”- ông Phan Thuẫn, Phó ban lạch Phú Câu phường 6, cho biết.
Nhờ được trạm hoa tiêu của 4 lão ngư hướng dẫn luồng lạch cặn kẽ, mỗi ngày, gần 100 tàu thuyền ra vào cửa biển Đà Rằng được an toàn.
“Khai thác cá ngừ đại dương ngoài biển cả tháng trời, đâu biết luồng lạch cửa biển thay đổi ra sao. Nếu không được hoa tiêu hướng dẫn là tàu bị mắc cạn ngay”- thuyền trưởng Nguyễn Văn Túy vừa đưa tàu PY-90541-TS cập bến cá phường 6, cho biết.
Cũng vì niềm tin đó, thuyền trưởng các tàu cá ở khu vực này mới cung cấp đầy đủ tần số liên lạc, số tàu cho trạm hoa tiêu để được hướng dẫn khi ra vào cửa biển.
Những dự định lớn
Tự tìm gỗ, tôn dựng lên chòi hoa tiêu, mượn máy bộ đàm của ban lạch rồi tự kéo dây điện, lắp đặt và chia ca trực. Không được trả công nhưng 4 lão ngư vẫn quần quật làm việc từ sáng sớm đến tối.
Mỗi ca có 2 người, họ phải “cơm đùm cơm nắm” để trực từ lúc mờ sáng đến sẩm tối. Nhiều đêm có tàu ra vào cửa biển, những lão “gàn” này cũng phải lặn lội ra “chòi” để hướng dẫn luồng lạch. Cửa biển hẹp do bị bồi lấp làm thay đổi luồng lạch hằng đêm nên mỗi sáng, kíp trực phải lội ra cửa biển để kiểm tra từng khu vực nhỏ.
“Tuy có nhiều kinh nghiệm nhưng chúng tôi vẫn phải bảo nhau không được ỷ lại. Chỉ sơ suất nhỏ, hướng dẫn sai để tàu mắc cạn là ngư dân mất hàng chục triệu đồng”- lão ngư Trần Đình Thống nói.
Theo ông Phạm Minh Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường 6, ngoài hướng dẫn luồng lạch, trạm hoa tiêu này còn là trung tâm gắn kết các tàu thuyền với nhau. “Tôi hoan nghênh việc làm này của các lão ngư. Địa phương không có kinh phí, chỉ động viên, mong rằng các bác tiếp tục giúp ngư dân”- ông Thảo nói.
Lão ngư Trần Kim Hoa đang hướng dẫn luồng lạch cho các tàu ra khơi đánh bắt
Hiện nay, 4 lão “gàn” đang dự định gắn kết các tàu trên biển để khai thác hiệu quả hơn. Lâu nay, vì không muốn chia sẻ ngư trường, chủ tàu thường giấu tần số liên lạc của tàu mình. Nay tất cả phải cung cấp tần số liên lạc cho trạm hoa tiêu để được hướng dẫn luồng lạch khi ra vào.
Qua đó, khi biết những ngư trường đang có nhiều tôm cá, trạm hoa tiêu sẽ thông tin để các tàu khác biết và đến khai thác. Khi xảy ra tai nạn trên biển, trạm hoa tiêu sẽ điều những tàu khai thác gần đó đến cứu hộ.
“Hiện nay, trạm hoa tiêu đang sử dụng một máy bộ đàm tầm ngắn, chỉ liên lạc được các tàu trong phạm vi 50 hải lý. Nếu có máy bộ đàm tầm xa, khu vực liên lạc sẽ rộng hơn, dự định gắn kết các tàu mới hiệu quả hơn”- ông Phan Thuẫn quả quyết.
“Nếu các cụ liên kết được tàu thuyền để chúng tôi đánh bắt hiệu quả hơn thì còn gì bằng”- ông Mai Văn Kinh (58 tuổi, ở phường 6, chủ tàu PY-21002-TS) bày tỏ tin tưởng.
Chưa thể nạo vét cửa biển Đà Rằng
Theo ông Hồ Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, hiện tại chưa có phương án cụ thể để nạo vét cửa biển Đà Rằng. “Cửa biển này bị bồi lấp quá nhiều, có đến hàng triệu mét khối cát bồi lấp, trong khi ngân sách địa phương không đủ nên chúng tôi phải xin ý kiến của tỉnh”- ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, TP Tuy Hòa đang tính đến việc cho các công ty khai thác cát ở cửa biển này nạo vét luồng lạch tạm cho tàu thuyền ra vào. |
Bình luận (0)