Vẫn chưa bàn chuyện mở rộng hạn điền đất nông nghiệp. Ảnh: Thốt Nốt
Ngày 7-3, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã tổ chức họp báo để làm rõ thêm hàng loạt vấn đề liên quan tới chính sách đất đai đang được dư luận đặc biệt quan tâm, như: thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, chế độ sở hữu đất đai, hạn mức giao đất (hạn điền)…
Theo Luật Đất đai 2003
Về thời hạn giao đất nông nghiệp kết thúc cuối năm 2013, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN-MT), ông Đào Trung Chính, cho biết Nhà nước sẽ phải có ngay một số giải pháp.
Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản... thường trú tại địa phương đang sử dụng đất nông nghiệp do Nhà nước giao trước đây, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được điều chỉnh thời hạn thêm 20 năm, cụ thể là đến năm 2033.
Theo ông Chính, người dân sẽ không phải làm thủ tục để được tiếp tục sử dụng đất mà áp dụng điều chỉnh thời hạn trên giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất đã cấp trước đây.
Trường hợp có nhu cầu thế chấp, chuyển nhượng... thì tới văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện để làm thủ tục điều chỉnh thời hạn trên GCN.
Vì thế, các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ được hướng dẫn để tiếp tục tạo điều kiện cho người dân vay vốn.
Ông Chính lý giải: “Hiện vẫn đang trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai 2003 nên trước mắt, phải thực hiện đúng theo luật này, tức là giao tiếp tới năm 2033. Sau khi hoàn tất việc sửa luật và nếu luật cho phép giao 50 năm thì sẽ xử lý tiếp”.
Theo ông Chính, đối với những hộ không thuộc diện thường trú tại địa phương và đất sử dụng có nguồn gốc là đất trống, đồi núi trọc, bãi bồi ven sông, biển... đã được các địa phương cho đấu thầu, giao, cho thuê có thời hạn, nếu có nhu cầu sử dụng tiếp thì cũng được gia hạn.
Về những trường hợp đã nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, nay có được tiếp tục sử dụng hay Nhà nước sẽ thu hồi để giao cho đối tượng khác, ông Chính cho biết: “Với đất trồng lúa, chỉ có hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng và được gia hạn sử dụng. Trường hợp đã nhận chuyển nhượng nhưng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, Nhà nước sẽ thu hồi. Với những trường hợp thực hiện dồn điền đổi thửa, GCN mới sẽ ghi thời hạn sử dụng đến năm 2033”.
Ông Chính cho hay Bộ TN-MT sẽ có thông tư hướng dẫn việc gia hạn sử dụng đất nông nghiệp trước ngày 15-10-2013 (khi hết hạn giao đất 20 năm theo Luật Đất đai 1993).
Nhiều ý kiến về sở hữu đất đai
Theo ông Đào Trung Chính, những vấn đề về chế độ sở hữu đất đai, nới thời hạn giao đất, hạn điền cần có quyết định từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông Chính cho biết trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003, đã có nhiều ý kiến trái chiều về những vấn đề này.
Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng cần tiếp tục duy trì sở hữu toàn dân về đất đai và Nhà nước là đại diện chủ sở hữu nhưng cũng có ý kiến đề nghị nên chuyển thành sở hữu Nhà nước, hoặc đa sở hữu, trong đó có cả sở hữu tư nhân.
Về vấn đề có hay không việc chia lại đất nông nghiệp mà Nhà nước đã giao theo Nghị định 64, cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Tương tự, vấn đề hạn điền cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến đề nghị giữ nguyên vì lực lượng lao động chuyển dịch từ nông nghiệp còn thấp nên cần giữ hạn điền để nông dân có đất sản xuất.
Tuy nhiên, nếu giữ nguyên hạn điền như hiện nay thì không thể sản xuất hàng hóa, không thể có vùng chuyên canh lớn.
“Hiện chúng tôi chưa thể bày tỏ nghiêng theo quan điểm nào vì đây là vấn đề hết sức hệ trọng và cốt lõi của Luật Đất đai. Bộ TN-MT phải tập hợp tất cả các ý kiến trái chiều để báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị, sau đó trình Ban Chấp hành Trung ương quyết định” – ông Chính nói.
Sẽ lấy ý kiến nhân dân
Ông Đào Trung Chính khẳng định đối với Luật Đất đai, lần sửa đổi nào cũng phải trải qua tối thiểu 2 kỳ họp của Quốc hội. Từ ý kiến đóng góp vào dự thảo tại kỳ họp thứ nhất, ban soạn thảo sẽ chỉnh sửa lại và công bố xin ý kiến nhân dân. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của nhân dân, ban soạn thảo sẽ tổng hợp và chỉnh sửa để trình ra kỳ họp Quốc hội thứ 2. |
Bình luận (0)