Chịu ảnh hưởng mạnh bởi giá xăng dầu, phí dịch vụ vận tải đã bắt đầu tăng. Ảnh: Hồng Thúy
Vận chuyển tăng trước
Chịu tác động trực tiếp từ giá xăng, các DN vận tải hàng hóa, vận tải du lịch cho biết: Các hợp đồng ký mới sẽ phải tăng giá ngay 5% trở lên. Đối với các hợp đồng đã ký trước đó cũng phải thương lượng lại giá vì không thể “gồng gánh” thêm 10% giá xăng. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, cho hay tuần rồi, các hãng taxi cũng đã kiến nghị điều chỉnh giá cước tăng dưới 2.000 đồng/km do chi phí quản lý, lãi suất ngân hàng quá cao. Giá cước chưa kịp điều chỉnh thì nay thêm giá xăng dầu tăng mạnh nên từ tuần tới, giá cước taxi sẽ tăng khoảng 2.500 đồng/km.
Hoạt động tự do, không phải đăng ký giá cước nên những người chạy xe ôm đã nhanh chân tăng giá ngay. Ông Út, chạy xe ôm ở quận Bình Thạnh, cho biết từ tối 7-3 đã tăng 5.000 - 10.000 đồng/cuốc nếu khách đi trong nội thành. Ông Trần Văn Hai, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng tại quận 10, thông tin: Giá xăng dầu tăng thì ngay lập tức, nhà xe vận tải vật liệu cũng đòi tăng giá khoảng 30.000 - 50.000 đồng/chuyến, tùy trọng tải. Vì vậy, cửa hàng ông vẫn bán giá vật liệu xây dựng như cũ nhưng nếu khách hàng đề nghị giao hàng tại công trình thì phần chi phí vận chuyển sẽ tăng thêm vài chục ngàn đồng/chuyến.
Một số công ty du lịch cũng cho hay với mức tăng giá xăng 2.100 đồng/lít, từ nay đến ngày 30-4, ngoài khoản tăng 30% - 35% so với trước Tết, giá tour sẽ cộng thêm ít nhất 5% - 7% đối với khách lẻ và 15% trở lên đối với khách đoàn. “Với khách lẻ, mặc dù công ty đã ký hợp đồng xe, nhà hàng, khách sạn nhưng chắc chắn những đơn vị này sẽ đòi “hỗ trợ” thêm. Riêng với khách đoàn ký hợp đồng mới nên sẽ phải chịu mức giá mới” - giám đốc một công ty du lịch tại TPHCM cho biết.
Tiểu thương, doanh nghiệp rục rịch theo sau
Một ngày sau khi xăng tăng giá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng tại TPHCM cơ bản vẫn đang giữ giá cũ. Tại các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, lượng hàng về chợ nhiều, giá ổn định; riêng một số mặt hàng thủy hải sản tại chợ Bình Điền đang giảm 3% - 10% so với một tháng trước, giá rau củ quả cũng giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg. Tiểu thương các chợ đầu mối cho hay do sức mua quá chậm nên trước mắt chưa cộng chi phí vận chuyển tăng vào giá bán nhưng vài ngày nữa sẽ tính toán lại.
Theo nhiều tiểu thương ở các chợ lẻ, chủ xe ba gác máy, xe ôm chở rau củ, thịt cá từ chợ đầu mối về chợ lẻ đã đòi tăng thêm 10.000 - 30.000 đồng/chuyến nhưng do nguồn hàng về nhiều, chợ ế ẩm nên giá cơ bản cũng chưa tăng. Bà Hồ Thúy Hạnh, chủ một sạp rau củ tại chợ Thái Bình (Q.1), cho biết giá nhiều loại rau như khổ qua, cà chua, cải ngọt… ở chợ đầu mối đang giảm nên trước mắt phần chênh lệch giảm giá coi như bù vào phí vận chuyển. Còn những ngày tới sẽ tính sau…
“Kích” CPI tăng thêm 0,85% Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết theo tính toán của Cục Quản lý giá, giá xăng dầu tăng từ 600 - 2.100 đồng/lít làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2012 tăng thêm khoảng 0,85%, trong đó tác động đến các ngành sử dụng xăng dầu là 0,61%.
P.Anh |
Bình luận (0)