Chỉ cần thuê một địa điểm nhỏ đủ kê 1-2 bộ bàn ghế và vài tấm bảng; thêm vài nhân viên làm nhiệm vụ tiếp khách; thu thập thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp qua sách, báo, internet hoặc móc nối với các đơn vị tuyển dụng là một cơ sở dịch vụ việc làm (DVVL) đã có thể ra đời!
Mọc lên như nấm
Đi dọc Quốc lộ 22 đoạn gần Bến xe An Sương-TPHCM, chúng tôi thấy có tới gần chục cơ sở DVVL. Lẫn lộn trong những trung tâm được Sở LĐ-TB-XH TPHCM cấp phép là những cơ sở DVVL “chui” ngang nhiên hoạt động. Những bảng hiệu chi chít thông tin tuyển dụng được trưng ra với mức lương hấp dẫn nhưng không ghi địa chỉ để “chiêu dụ” người tìm việc, nhất là lao động từ các tỉnh xa. Chỉ cần thấy “con mồi”, nhân viên của các cơ sở sẽ tìm đủ mọi cách lôi kéo để người lao động (NLĐ) đóng phí tìm việc rồi sau đó “đem con bỏ chợ” với đủ thứ lý do.
Một góc cơ sở DVVL Khánh Linh trên Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn-TPHCM ). Ảnh: PHAN ANH
Hoạt động trái phép
Theo Nghị định 19/CP của Chính phủ, doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm phải có địa điểm, trụ sở ổn định từ 36 tháng trở lên, đặt ở nơi thuận tiện và đủ diện tích cho việc giao dịch, hoạt động. Trung tâm phải có trang thiết bị và phương tiện phù hợp như máy vi tính, điện thoại, máy fax, email và các tài liệu liên quan đến thị trường lao động cùng các trang thiết bị khác để phục vụ khách hàng.
Nghị định cũng nêu rõ, các doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm phải ký quỹ ít nhất 300 triệu đồng tại ngân hàng để giải quyết rủi ro và các khoản phải đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động. Ngoài ra, phải có ít nhất 5 cán bộ trình độ từ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kinh tế, pháp luật, ngoại ngữ và có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TPHCM, hiện trên địa bàn TP có 9 trung tâm thuộc các sở, ngành, tổ chức chính trị, xã hội thành lập; 16 trung tâm dạy nghề quận, huyện đã được UBND TP cho phép bổ sung chức năng giới thiệu việc làm và 42 doanh nghiệp được Sở LĐ-TB-XH TPHCM cấp phép giới thiệu việc làm. Một cán bộ Sở LĐ-TB-XH TP cho rằng những cơ sở DVVL hoạt động trái phép xuất phát từ nhu cầu tìm việc của NLĐ, nhất là người từ các tỉnh đến TPHCM.
Đại diện Sở LĐ-TB-XH TP khẳng định: Những cơ sở DVVL ở dọc Quốc lộ 22 như Trung tâm Giới thiệu việc làm Khánh Linh, Trung tâm Giới thiệu việc làm 24H, Trung tâm Giới thiệu việc làm Bảo Trân, những cơ sở DVVL không tên ở đường Phan Văn Trị… đều không đủ điều kiện để hoạt động giới thiệu việc làm, không có giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm do Sở LĐ-TB-XH TPHCM cấp.
Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công, Sở LĐ-TB-XH TPHCM: Khó phát hiện, xử lý Sở LĐ-TB-XH TP đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra; phối hợp với các quận, huyện rà soát các điểm hoạt động giới thiệu việc làm không phép để kiểm tra, xử phạt nhưng có một thực tế là khi các cơ sở DVVL “đánh hơi” được động tĩnh thì liền đóng cửa để đối phó. Mặt khác, việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn vì đa số cơ sở DVVL đều trang bị phương tiện làm việc sơ sài nên khi có đoàn kiểm tra thì sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”. Thêm vào đó, do hoạt động “chui” nên các cơ sở DVVL trái phép luôn ở trạng thái “cảnh giác cao độ” khiến cơ quan chức năng khó phát hiện, xử lý.
Bình luận (0)