xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Suýt sơ tán 35 triệu dân Tokyo

NGUYỄN CAO

Một kế hoạch tuyệt mật sơ tán 35 triệu dân thành phố Tokyo - Nhật Bản đã được chính quyền nghiên cứu cặn kẽ trước nguy cơ thảm họa hạt nhân sau trận động đất và sóng thần ngày 11-3-2011

Có rất nhiều bí mật về Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi mãi đến bây giờ mới được tiết lộ. Một trong những bí mật đó là kế hoạch dự phòng sơ tán hàng chục triệu người ở Tokyo, thành phố lớn nhất của Nhật. Kế hoạch này do ông Shunsuke Kondo, Chủ nhiệm Ủy ban Năng lượng hạt nhân Nhật Bản, soạn thảo và nộp cho Thủ tướng Naoto Kan ngày 25-3-2011. Mãi đến đầu tháng giêng năm nay, ông Goshi Hosono, Bộ trưởng Bộ Môi trường phụ trách thảm họa hạt nhân, mới chịu công khai chuyện này.

Khủng hoảng lòng tin

14 giờ 46 phút ngày 11-3-2011 (giờ địa phương), một trận động đất mạnh 9 độ Richter có sức hủy diệt tương đương quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima năm 1945 kèm theo sóng thần cao từ 5 m đến 40,5 m đã tàn phá vùng Tohoku ở Đông Bắc đảo Honshu - Nhật Bản, cách Tokyo 250 km. Trong vòng 6 phút, thảm họa kép này đã khiến gần 20.000 người chết và mất tích, san thành bình địa nhiều thị trấn.

img

Cựu thủ tướng Nhật Naoto Kan. Ảnh: AP

Ba ngày sau, các ống kính truyền hình tập trung vào Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi sau khi có báo cáo bức tường bảo vệ nhà máy đã bị sóng thần phá vỡ, gây ra cháy nổ khí hydrogen làm rò rỉ phóng xạ trong hai ngày 14 và 15-3-2011.

Giám đốc nhà máy Masao Yoshida lập tức báo cáo với Thủ tướng Naoto Kan rằng cơ quan chủ quản Tepco (Công ty Điện lực Tokyo) đã ra lệnh sơ tán toàn bộ cán bộ công nhân viên (600 người) ngày 14-3-2011. Nếu tuân theo lệnh này, nhà máy có thể gây ra một thảm họa không lường. Ông Yoshida khẳng định rằng nếu giữ lại công nhân thì ông có thể kiểm soát được tình hình.

Trong khi đó, ông Masataka Shimizu, Chủ tịch Tepco, báo cáo đã cấm dùng nước biển để làm nguội các lò phản ứng hạt nhân quá nóng theo đề xuất của các chuyên gia tại nhà máy. Theo Tepco, biện pháp này có thể làm tan chảy hơn 10.000 thanh nhiên liệu trong 6 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy, gây ra một thảm họa còn khủng khiếp hơn vụ Chernobyl ở Ukraine năm 1986.

Trước những thông tin tréo ngoe nói trên, Thủ tướng Naoto Kan không biết nên tin ai. Ông họp khẩn với các cố vấn bàn cách đối phó, đồng thời tiên liệu những khả năng xấu nhất. Chánh Văn phòng Thủ tướng, ông Yukio Edano, cảnh báo rằng sẽ có một chuỗi phản ứng dây chuyền: “Chúng ta sẽ mất tiếp Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daini và Tokai. Nếu điều đó xảy ra, có thể mất luôn Tokyo”.

 Nội các ông Kan lúc đó được mô tả là rơi vào trạng thái hoảng loạn trước viễn cảnh khủng khiếp mà ông Edano vẽ ra. Tình thế buộc ông Kan phải hành động ngay. Một mặt, 5 giờ 30 phút ngày 15-3-2011, ông Kan đến trụ sở Tepco dùng thoại video để nói chuyện với các chuyên gia trong nhà máy. Sau khi nghe báo cáo, ông chỉ đạo Tepco không được “bỏ của chạy lấy người” mà phải hạn chế tối đa thảm họa phóng xạ theo kiểu “còn nước còn tát”.

Mặt khác, ông Kan ra lệnh cho ông Shunsuke Kondo soạn thảo kế hoạch dự phòng. Ông Kondo thảo ra 6 tình huống có thể xảy ra, trong đó có tình huống xấu nhất là sơ tán 35 triệu dân Tokyo khi tất cả các lò phản ứng hạt nhân lần lượt nổ tung tạo ra một đám mây phóng xạ khổng lồ đe dọa khắp vùng Tohoku, kể cả siêu đô thị Đại Tokyo với 40 triệu dân.

Căng thẳng với Mỹ

Một cuộc điều tra độc lập của RJIF, tổ chức tư nhân nhằm tái thiết nước Nhật sau thảm họa 11-3-2011 do cựu tổng biên tập nhật báo Asahi Shimbun Yoichi Funabashi sáng lập, cho biết lúc đó, may thay ông Kan nhận được tin: Ngày 16-3-2011, một chiếc trực thăng của quân đội báo cáo hồ nước làm mát lò phản ứng số 4, nơi được xem có nguy cơ lớn nhất, đã qua cơn nguy sau khi được đổ đầy nước.

img
Mức phóng xạ ở gần tổ máy số 3 và số 4 của Nhà máy Điện hạt nhân
Fukushima Dai-ichi hiện nay vẫn còn rất cao. Ảnh: AP

Từ thông tin trên, ông Kan ra một quyết định được coi là đúng đắn, dung hòa hai ý kiến trái ngược của Tepco và giám đốc Nhà máy Fukushima Dai-ichi: Cho phép 50 chuyên viên tình nguyện ở lại nhà máy để hạn chế đến mức thấp nhất việc rò rỉ phóng xạ do tan chảy các thanh nhiên liệu.

Ông Kan cũng quyết định không tiết lộ kế hoạch dự phòng sơ tán Tokyo vì sợ dân chúng hoang mang. Nhiều thông tin khác về tình hình an toàn hạt nhân ở Nhà máy Fukushima cũng bị Tepco ém nhẹm không chỉ ở trong nước mà cả thế giới. Chính điều này đã làm quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản trở nên căng như dây đàn trong những ngày đầu vì không tin tưởng nhau.

Báo cáo của RJIF nhận định rằng chính quyền Mỹ có những lúc hành động quá mức cần thiết và thổi phồng nguy cơ hạt nhân. Họ dựa theo nhận định của các chuyên gia hạt nhân Mỹ.
Theo đó, Chính phủ Nhật không nắm chắc tình hình ở Nhà máy Fukushima Dai-ichi nên cung cấp nhỏ giọt những thông tin không đáng tin cậy. Vì thế, Washington âm thầm lên kế hoạch sơ tán 90.000 công dân Mỹ ở Nhật. Mỹ cũng khuyến cáo công dân của mình sơ tán nếu ở cách Nhà máy Fukushima trong vòng 80 km thay vì 20 km theo kế hoạch sơ tán dân của Chính phủ Nhật.

Tuy nhiên, sự hiểu lầm này đã được khắc phục sau khi một ủy ban song phương được thành lập ngày 22-3-2011 và họp hành liên tục.

Tháng 9-2011, Thủ tướng Naoto Kan từ chức vì mức tín nhiệm trong dân chúng rớt mạnh. Kể từ đó, ông hoạt động tích cực cho một nước Nhật không có điện hạt nhân.

Kỳ tới: Những người hùng vô danh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo