“Nhiều người quan niệm bạo hành chỉ xảy ra trong tầng lớp nghèo khổ nhưng mấy ai hiểu mình từng là đối tượng bị bạo hành và đồng thời là người gây bạo hành cho người khác”- thạc sĩ Phạm Thị Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ năng sống, chia sẻ trong chương trình “Nhận biết về bạo hành tinh thần, nguy cơ và cách ứng phó”.
Bạo hành ngày càng phổ biến
Hằng ngày, những người vợ, người chồng bạo hành với nhau dù họ không hề muốn và hình thức bạo hành ngày càng tinh vi hơn. Đàn ông bạo hành lên người phụ nữ bằng hình thức gia trưởng, độc đoán, đánh đập và cả im lặng. Có người vợ tâm sự: “Thà anh ấy tát em một cái còn hơn im lặng suốt một tháng”. Nhiều người đàn ông còn bạo hành bằng cách kiểm soát ý nghĩ, hành động, thời gian, tiền bạc, không cho vợ đi làm, không cho vợ gặp bạn bè…
Theo thống kê, trong năm 2011, có hơn 500 doanh nghiệp ở Việt Nam bị phá sản, kéo theo đó rất nhiều lao động thất nghiệp. Nhiều người chồng hoặc người vợ bị mất việc đã cảm thấy càng khủng hoảng hơn khi vợ/chồng mình chì chiết, than thở về vấn đề tiền bạc, giá cả…
Không chỉ làm tan nát gia đình
Ai có thể là nạn nhân bị bạo hành? Bất cứ ai. Ai có thể là thủ phạm? Bất cứ ai. Thạc sĩ Phạm Thị Thúy kể có một tiến sĩ sống rất chuẩn mực khiến nhiều người ngưỡng mộ nhưng ai ngờ rằng ông đối xử vô cùng tàn tệ với vợ mình. Chỉ vì một lỗi nhỏ của vợ trong quá khứ mà ông tiến sĩ cứ đay nghiến mãi khiến người vợ cảm thấy mình thua một nô lệ.
Một người bị khủng hoảng về tinh thần còn kinh khủng hơn về thể xác. Theo thời gian, họ sẽ bị tổn hao cả thể xác lẫn tinh thần, sống khép kín, dễ thất bại. Phụ nữ bị bạo hành dễ dẫn đến chán chồng và có nguy cơ ngoại tình. Hậu quả nặng nề của nạn bạo hành trong gia đình là con cái hư hỏng, lang thang và cuối cùng là nghiện ngập, phạm pháp…
Rất nhiều người ngộ nhận là cố gắng duy trì cuộc sống hôn nhân sẽ tốt cho con cái hơn là ly hôn nhưng đâu biết rằng đứa con sẽ không trưởng thành khi chứng kiến bạo hành hằng ngày. Nhiều phụ nữ cũng góp phần làm cho mình bị bạo hành như một chị bị chồng đánh đập, thậm chí dội cả nước tiểu lên đầu nhưng âm thầm chịu đựng vì “nếu nói ra, bố mẹ em sẽ đau khổ, xấu hổ”.
Có khi người bạo hành người khác nhưng cũng là nạn nhân của nạn bạo hành. Như trường hợp người chồng ngoại tình nhưng đã biết lỗi trở về với vợ con. Người vợ tha thứ nhưng mỗi khi tivi chiếu cảnh ngoại tình, người vợ lại bóng gió, nhắc nhở. Những lúc ấy, anh chồng cảm thấy thật khổ sở, mệt mỏi và chỉ một năm sau, hai vợ chồng chia tay.
Cách ứng phó với bạo hành Muốn không bị bạo hành, mỗi người phải tự tin và độc lập, không lệ thuộc ai cả về vật chất và tinh thần. Bản thân mỗi người không chấp hành bạo hành ngay lần đầu tiên.
Khi bị bạo hành, người bị bạo hành phải đối thoại với người bạo hành, tìm ra giải pháp trong sự bình tĩnh và yêu thương. Khi bị bạo hành, mọi người đừng ôm nỗi đau một mình mà hãy tìm cách chia sẻ với người khác để tìm cách giúp đỡ.
Bản thân mỗi người nên học kỹ năng sống về giao tiếp, ứng xử để tự tin và tạo không khí tốt giữa các thành viên trong gia đình. |
Bình luận (0)